(ĐBND) – “Còn nhiều bất cập quan trọng chưa được sửa đổi, nếu cứ luẩn quẩn, không rõ mục tiêu sẽ dẫn đến nguy cơ phải sửa nhiều lần nữa”. Đây là nhận xét của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp sáng 20.2.
Viết lại Luật Doanh nghiệp?
“Luật Đầu tư, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề. Mỗi khi có đợt rà soát lớn nào, như năm 2018 vừa qua với sức ép mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ thì các bộ, ngành đều hoàn thành mục tiêu đơn giản hóa và ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện có như Chính phủ giao. Tuy nhiên, vẫn còn nguyên đó câu hỏi về tính bền vững của việc cắt giảm này, cách thức kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh mới. Đây là vấn đề mà Luật Đầu tư cần giải quyết, để tránh tình trạng cải cách điều kiện kinh doanh hiện nay như “đá ném ao bèo”!” Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này không phải là đổi mới mà chủ yếu là sửa sai. Chẳng hạn Điểm b, Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung quy định: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Như vậy là đã lấy lại nguyên văn quy định tại Khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014. Hoặc, doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% (Khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).
Dự thảo Luật bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật lại chưa xử lý việc hàng chục lĩnh vực mà doanh nghiệp hoặc bản chất giống với doanh nghiệp như công ty luật, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hợp tác xã,… nhưng không được tự quyết định hình thức, nội dung, việc quản lý và sử dụng con dấu. Thay vào đó, vẫn phải xin cơ quan công an cấp “Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu” như đối với cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến việc, công ty chứng khoán hay Quỹ tín dụng nhân dân thì con dấu do công an quản lý, còn ngân hàng thì lại tự do. Hộ kinh doanh cũng không được quy định về việc tự quyết định con dấu như doanh nghiệp.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Vì vậy, cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.
Toàn cảnh hội thảo |
Bỏ Luật Đầu tư?
Đối với Luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cốt lõi của Luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Điểm a, Khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật giải thích “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”. Ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây. Vì vậy, nên bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp. Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy,… Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm 1 chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam đề xuất sửa đổi một số điều khoản cụ thể trong Luật Đầu tư. Tại Điều 23 Luật Đầu tư hiện hành chưa quy định rõ số vốn bao nhiêu thì được gọi là đầu tư nước ngoài. Điều này gây sự chồng chéo và khó hiểu cho nhà đầu tư và cả cơ quan cấp phép khi thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư. Bà Dung đề nghị sửa đổi theo hướng làm rõ thế nào là nhà đầu tư nước ngoài, để nhà đầu tư, cơ quan cấp phép thống nhất nội dung tham chiếu khi áp dụng. Tại Điều 32 cần làm rõ UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp chủ trương đối với dự án đầu tư nào. Điều 39 quy định ghi tên và địa chỉ của nhà đầu tư trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên có thực tế là giấy chứng nhận chỉ ghi tên công ty, còn nhà đầu tư – chủ sở hữu của công ty đó – lại không ghi, dẫn tới nhà đầu tư thực sự không có quyền được miễn giấy phép lao động. Vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi trong luật hoặc các quy định liên quan để khắc phục bất cập này.
Tại Tờ trình dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi khoản 1 Ðiều 172 Bộ luật Lao động theo hướng thay thế cơ chế miễn cấp giấy phép cho mọi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bằng cơ chế chỉ miễn giấy phép lao động cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, chỉ cần bổ sung chứ không thay thế vì chủ sở hữu và thành viên góp vốn cũng cần sang Việt Nam điều hành và làm việc theo hoạt động của công ty. Vậy nếu họ làm việc trên 3 tháng thì sẽ phải xin cấp phép lao động? Như vậy là bất cập và không khuyến khích đầu tư.
Tuệ Anh
——————————————-
Đại biểu Nhân dân 21-02-2019:
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=416994
(754/1.225)