(TG) – Vấn đề quan trọng thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Chủ tịch VCCI khẳng định Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 không chỉ tạo ra đột phá trong lĩnh vực đầu tư mà còn là động lực thức đẩy cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác tạo ra những nền tảng cho phát triển kinh tế.
Dẫn đề bài phát biểu, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá cao sự đổi mới của hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh những năm gần đây.
TS Lộc đưa ra những điểm nhấn “lần đầu tiên” của rất nhiều quy định trong kinh doanh để chứng minh cho hiệu quả của sự đổi mới, góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp ngày 20/2”
“Môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi. Tốc độ thành lập doanh nghiệp mới trong ba năm gần đây đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc”n TS Lộc nói,
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ chính sách nào, với sự vận động của kinh tế xã hội, cũng cần phải điều chỉnh để tạo ra những động lực mới, chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế.
Những việc phải làm, những việc phải giải quyết đó chính mục tiêu mà việc sửa đổi hai bộ luật liên quan đến doanh nghiệp là Luật Đầu Tư và Luật Doanh nghiệp hướng tới.
Đấy là tiếp tục gỡ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp dẫu đã có lúc được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính. Nhưng nhiều bất cập còn tồn tại lại như một thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này. Chẳng phải vô cớ mà việc “gia nhập thị trường”, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Nổi cộm hơn mà nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng chung suy nghĩ là câu chuyện hộ kinh doanh cá thể. Con số gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay cho thấy một lực lượng kinh doanh hùng hậu nhưng lại gần như nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI cho rằng vấn đề quan trọng thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Đúng là các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. “Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức”, TS Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận việc duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp như hiện này là một “sự bất bình đẳng” và không còn phù hợp với xu thế phát triển.
Còn theo luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw, cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Hà phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng.
Nhưng vì sao chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.
“Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn?”, TS lộc hỏi và cũng gợi mở, “Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh”.
Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay.
Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, ông Vũ Đại Thắng, phát biểu sau đó, đồng tình đề xuất mà theo ông là hoàn toàn xác đáng của Chủ tịch VCCI. “Chúng tôi sẽ tiếp thu và cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, ông Thắng nói.
Nguyên Hoàng
———————————-
Thương gia 21-02-2019:
https://thuonggiathitruong.vn/mo-canh-cua-cho-luc-luong-tao-ra-30-gdp/
(51/1.138)