(Biz) – Theo các chuyên gia, việc thay đổi tên gọi trạm “thu phí” thành “thu giá” đối với dự án BOT là tối nghĩa, thực tế nhiều loại chi phí không chịu sự điều tiết của Luật phí và Lệ phí vẫn dùng từ phí.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu. Ảnh: Zing
Đổi thành trạm “thu giá” là máy móc, hài hước
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc đổi tên từ “thu phí” sang “thu giá” là lỗi từ quá trình làm luật.
Theo ông Đức, hiện hệ thống văn bản pháp luật có 2 luật liên quan, đề cập vấn đề này là Luật Phí và lệ phí, và Luật Giá. Luật phí và Lệ phí định nghĩa “phí là khoản tiền trả cho dịch vụ công”.
“Trước đây, hệ thống hạ tầng đường bộ do nhà nước đầu tư, thu tiền nên được gọi là phí sử dụng đường bộ. Sau này, khi tư nhân tham gia đầu tư, không còn là dịch vụ công nên nếu gọi là phí sử dụng đường bộ sẽ trái luật”, ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng dịch vụ đường bộ lúc này trở thành một quan hệ dân sự, không còn là đối tượng của Luật Phí và Lệ phí mà chuyển sang Luật Giá. Vì thế, nó được gọi là giá dịch vụ đường bộ, tương tự các dịch vụ khác như giá dịch vụ vận tải, giá dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” BOT là máy móc, hài hước. Nếu muốn tránh từ “phí”, cơ quan quản lý vẫn có thể gọi nó là trạm thu tiền, trạm thu ngân…
Luật không có chỗ nào nói phải dùng “thu giá”
Trao đổi với BizLIVE, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, Luật phí và Lệ phí là luật cần thiết và đúng đắn, áp dụng với nhà nước phân biệt rõ, tránh ban hành phí một cách vô tội vạ, không đúng bản chất.
Theo ông Đức, nếu chi phí thuộc tính chất giá cả hay phí là nội dung bên trong còn tên từ ngữ diễn đạt không thể thay đổi bất cứ điều gì vì việc thay đổi không đúng logic, chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Và thực tế, nhiều loại phí như phí dịch vụ ngân hàng, phí rút tiền… cũng không chịu sự điều tiết của Luật phí và Lệ phí nhưng vẫn dùng từ “phí”.
Ông Đức cũng chia sẻ thêm, ông không cho rằng đây là “thuyết âm mưu” nhằm đánh tráo khái niệm để dễ dàng hơn trong việc tăng phí BOT. Người dân chỉ cần tiếp cận khái niệm cơ bản nhất, đặc biệt luật không có chỗ nào nói phải dùng trạm thu giá, không dùng từ phí.
“Như tên gọi BOT là kinh doanh – xây dựng – chuyển giao, Nhà nước giao cho doanh nghiệp, không phải tài sản của doanh nghiệp, có sự giao thoa công, tư, không thể vì vậy mà nói doanh nghiệp có quyền điều chỉnh mức thu, Nhà nước phải can thiệp. Trường hợp này không thể đổi được, mà nếu đổi thì thành từ có nghĩa mù mờ hơn”, ông Đức nói.
Đến thời điểm này đã có doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đổi tên trạm thu giá về lại trạm thu phí vì “tên trạm thu giá hiện nay nghe rất tối nghĩa so với tên trạm thu phí trước đó”.
Theo thông tin trên báo Thanh Niên, đại diện chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Băng Dương (đơn vị xây dựng trạm thu giá BOT Đức Hoà) cho biết đã tham vấn đến Tổng cục Đường bộ về việc muốn thay đổi tên gọi nhưng phía Tổng cục cho rằng tên thu giá khó thay đổi được, Bộ cũng không giải quyết được gì.
“Chúng tôi là người đứng ở giữa cung cấp dịch vụ và thu tiền dịch vụ đó. Tôi cũng mong muốn làm sao khách hàng và đối tác đồng tình về tên gọi cũng như công tác đặt trạm thu tiền là chúng tôi mừng rồi”, vị này nói.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, phí mang tính chất quản lý nhà nước liên quan đến Hội đồng Nhân dân, Quốc hội quyết định. Hình thức đầu tư BOT được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá. Việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu bởi lẽ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua Hội đồng Nhân dân nên rất chậm.
NGUYỄN THẢO
——-
BizLive (Kinh doanh) 24-5-2018:
(263/880)