(ĐT) – Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và cộng đồng DN về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Luật – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/2, tại Hà Nội.
Hiện có khoảng 2,5 triệu hộ kinh doanh trong tổng số 5 triệu hộ có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Cần phân định rõ loại hình kinh doanh
Nước ta hiện có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh (HKD) cá thể, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức.
Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, nhiều chính sách hiện tại khiến cho các HKD cá thể ngần ngại chuyển đổi thành DN, mặc dù luật pháp đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi HKD cá thể thành DN, có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…), nhưng với tư cách là đạo luật gốc về DN, Luật DN cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của HKD cá thể lên thành DN chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ DN tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
“Đã đến lúc cần đặt ra câu hỏi là tại sao những đơn vị HKD sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là DN? Họ chính là các DN tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để họ lớn lên?”, ông Lộc nhấn mạnh.
Điều quan trọng nhất, theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Luật sửa đổi lần này cần phải tuyên bố rõ HKD là DN. Luật DN không cần thiết kế nhiều, nhưng các luật chuyên ngành phải quy định. Mặc dù Bộ Tài chính đã có thông tư quy định về DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng cần cụ thể và đơn giản hơn.
Gỡ khó cho hộ kinh doanh ngại “lớn”
Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN là cần tạo ra cơ chế để khuyến khích HKD chuyển đổi thành DN. Đã tới lúc khu vực này cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật DN, chứ không phải chỉ vài điều khoản trong nghị định hướng dẫn Luật DN như hiện nay.
“Cần phải trả lại tên DN cho HKD. Các văn bản pháp lý khác dựa theo đó để có chế định cũng như hỗ trợ phù hợp cho khu vực DN này. Việc thay đổi khái niệm này sẽ giúp chúng ta hưởng lợi thêm 2 triệu DN”, ông Lộc nhấn mạnh.
Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của ông Vũ Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư, kiêm thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Ông Hiền cho rằng, nên xóa bỏ loại hình “HKD”. Ở nước ngoài, hiện không có khái niệm “HKD”. Về bản chất, HKD và DN tư nhân là bằng nhau về tư cách, chỉ khác nhau về cơ quan đăng ký. DN tư nhân đăng ký ở cơ quan cấp tỉnh, còn HKD đăng ký ở Phòng Tài chính – Kế hoạch của cấp huyện.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều HKD ngại “lớn”, vì sợ tốn kém, sợ trách nhiệm… Một trong những nỗi sợ là có nhiều HKD vừa đăng ký thành lập DN hôm nay, nhưng ngày mai đã có cơ quan phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra, thuế vào “hỏi thăm”… Thậm chí có HKD đủ điều kiện về đất đai, quy mô tới 900 lao động… nhưng họ chỉ kê khai có 9 lao động để né không phải lên DN.
Cốt lõi của vấn đề này, theo ông Hiền, là làm sao để HKD thấy việc chuyển đổi lên DN là nhu cầu tự thân, chứ không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu.
Ông Lộc đề xuất, Luật sửa đổi lần này cần giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật như Luật Thuế và Luật Kế toán trong thời gian tới. Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu HKD có động lực trở thành một cộng đồng DN tư nhân đủ mạnh.
Ngoài ra, theo ông Hiền, cần giảm nhẹ điều kiện về thanh tra, kiểm tra, thuế, bảo hiểm… và tăng nặng hơn, quản lý chặt hơn đối với các HKD đủ điều kiện chuyển đổi lên DN nhưng không thực hiện chuyển đổi.
Theo nhận định của ông Hiền, hiện có ít nhất 2,5 triệu HKD trong tổng số 5 triệu hộ có đủ điều kiện để thành lập DN. Để tạo điều kiện cho HKD lớn lên, thay vì họ phải lên tỉnh để đăng ký thành lập DN thì tỉnh có thể ủy quyền cho cấp huyện.
Lê Xuân
——————————————–
Đấu thầu (Thời sự) 21-02-2019:
http://baodauthau.vn/thoi-su/nen-xoa-bo-loai-hinh-ho-kinh-doanh-91215.html
(71/995)