2.186. Gian nan để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

(TBKD) – Cả nước có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm đến hơn 30% GDP, có hộ sử dụng hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp. Đã đến lúc cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương trình riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật như hiện nay.

Đóng góp ý kiến về Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN), đa số các chuyên gia, DN cho rằng lần sửa đổi này phải ghi nhận tư cách pháp lý của hộ kinh doanh cá thể.

Luật sư Lê Văn Hà, công ty Luật Pathlaw, đánh giá sau 4 năm có hiệu lực và triển khai thực hiện, bên cạnh những điểm đột phá tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các DN gia nhập, hoạt động kinh doanh, tổ chức quản lý, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động, Luật DN năm 2014 vẫn tồn tại một số bất cập cần hoàn thiện.

“Bỏ quên” hàng triệu hộ kinh doanh

Cụ thể, xét về đối tượng điều chỉnh, Luật DN không điều chỉnh hoạt động của đối tượng hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Tuy vậy, Điều 212 trong Luật lại quy định “Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ”.

Bản thân Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký DN cũng căn cứ vào Luật DN để hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh. Điều 212 cũng buộc hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải chuyển đổi thành mô hình DN.

“Quy định như luật hiện hành là không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Nội dung của luật quy định về tổ chức, hoạt động của những đối tượng nằm ngoài phạm vi đối tượng điều chỉnh của chính bản thân luật đó; quan niệm “DN” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm khái niệm DN. Cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là DN”, ông Hà nhận xét.

Ngoài ra, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh; trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng, là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).

Ông Hà cho rằng sự tồn tại và phát triển của DN hộ gia đình, DN một chủ là thực tế khách quan, ngay cả các nước phát triển cũng duy trì loại hình DN “sole proprietorship” với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Ví dụ Cơ quan Quản trị DN nhỏ (SBA) của Chính phủ Mỹ chuyên về hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ dưới dạng “sole proprietorship”. Thế nhưng, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ, dịch vụ.

Vì vậy, ông Hà kiến nghị cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật DN, bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh; bổ sung một chương trong Luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hiện nay cả nước có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức.

Nhiều chính sách hiện tại khiến các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành DN, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Ông Lộc chia sẻ, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…), nhưng với tư cách là đạo luật gốc về DN, Luật DN cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành DN chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ DN tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.

Có hộ kinh doanh với hàng trăm lao động nhưng không chịu “lớn” thành DN

Làm DN sợ bị… “hỏi thăm”

Theo ông Lộc, đã đến lúc cần đặt câu hỏi tại sao những đơn vị, hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động…. nhưng không được xem là DN? Họ chính là các DN tư nhân đích thực nhất, tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những DN đủ lớn?

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng DN tư nhân đủ mạnh.

Giải pháp cần làm trong Luật DN sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm DN chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các Luật Thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

“Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật DN, chứ không chỉ vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật như hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi tại sao hộ kinh doanh không chuyển thành DN? Ông Lê Xuân Hiền, Hội Các nhà DN trẻ tỉnh Hải Dương, dẫn chứng bằng cách so sánh: “Tôi đi cái xe máy @ có giá 150 triệu đồng, còn anh đi cái ô tô giá hơn 300 triệu đồng. Xe @ chính là hộ kinh doanh, còn ô tô là DN. Khi mua ô tô, ngay lập tức phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm… hỏi thăm!”.

Theo ông Hiền, cốt lõi của câu chuyện hộ kinh doanh không chuyển lên DN không phải chuyện thành lập khó khăn mà quan trọng là hành xử sau đó của cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy…

“Tôi nói thật là nhiều khi đi xe máy hơn ô tô nhiều. Tôi từng tiếp xúc với hộ sử dụng hàng trăm lao động nhưng chỉ đăng ký 9 lao động, không muốn “lớn” lên thành DN. Sắp tới, tôi đề nghị xóa bỏ hộ kinh doanh, chỉ cho phép đăng ký DN. Làm được điều này, ngay lập tức chúng ta có thể công bố với thế giới là Việt Nam có 2 triệu DN”, ông Hiền chia sẻ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mỗi lần sửa Luật DN, Luật Đầu tư, xã hội đều kỳ vọng tạo nên cú hích. Do vậy, chúng ta cần hết sức bình tĩnh vì mỗi luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng.

Tại sao hộ kinh doanh không đăng ký DN? Ông Hiếu kể câu chuyện: “Ngày hôm qua, có đứa cháu mở văn phòng kiến trúc nói với tôi là mở DN tốn kém nên cứ đăng ký tạm hộ kinh doanh”.

Theo ông Hiếu, có thể thấy cái khó nhất là chúng ta rất muốn hộ kinh doanh phát triển chính quy để họ tạo ra nhiều lợi ích, nhưng vấn đề là làm như thế nào. Đây là điều mà Luật DN sửa đổi cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Lê Thúy

Ông Lê Xuân Hiền – Hội Các nhà DN trẻ tỉnh Hải Dương

Nhiều nước trên thế giới không có khái niệm hộ kinh doanh. Ở Việt Nam, bản thân hộ kinh doanh với DN tư nhân bằng nhau về tư cách, chỉ khác nhau là cơ quan đăng ký. Để hộ kinh doanh trở thành DN, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để họ thấy được những lợi ích khi được công nhận là DN. Nhà nước cũng cần có chính sách “chăm sóc” DN mới thành lập, tránh tình trạng “mới sinh ra đã chết yểu”.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Quy định hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm DN tư nhân, nay đã hết vai trò. Bởi vậy, việc duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình DN là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ pháp lý. Tôi kiến nghị loại bỏ hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành DN tư nhân hoặc công ty.

Ts. Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Luật DN cần phải được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập và quản trị DN. Trong đó cần phải bãi bỏ những quy định bất hợp lý làm khó cho DN như bãi bỏ yêu cầu DN phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng, chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN hay yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh.

Thời báo Kinh doanh (Thời sự) 27-02-2019:

https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/gian-nan-de-ho-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-1054734.html

(89/1.808)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,983