(TBTC) – Bên cạnh những mặt tích cực, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi còn nhiều thiếu sót.
Điển hình như việc “bỏ rơi” một đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế là hộ kinh doanh, nhất là khi Chính phủ đang nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp (DN) lên con số 1 triệu vào năm 2020.
Hộ kinh doanh là đối tượng đông đảo nhất và cũng tạo ra nhiều việc làm nhất
Hộ kinh doanh bị “bỏ rơi”
Đánh giá về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực hướng đến đáp ứng yêu cầu đặt ra cho sự phát triển của DN trong bối cảnh mới, dự thảo vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó không thể không kể đến việc “bỏ rơi” một đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế là hộ kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển số lượng DN lên con số 1 triệu vào năm 2020.
Các hộ kinh doanh là DN siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là DN thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam – Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đánh giá.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, một trong những nội dung quan trọng của Luật Doanh nghiệp là quy định về việc gia nhập thị trường. Rõ ràng, trong việc này có đối tượng là hộ kinh doanh. Vậy hộ kinh doanh gia nhập thị trường như thế nào, điều kiện để gia nhập ra sao, yêu cầu đối với quản lý như thế nào… rất cần được quy định cụ thể, nhưng hiện trong luật vẫn bỏ ngỏ vấn đề này.
Về câu chuyện này, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá: Cho đến nay, hộ kinh doanh là đối tượng đông đảo nhất về số lượng với hơn 5 triệu hộ và tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế với khoảng 10 triệu việc làm, đóng góp 32% cho GDP. Tuy nhiên, hộ kinh doanh vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý riêng.
Ông Nam trăn trở: Quy định trong Luật Doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn xa, từ 10 – 20 năm và dự báo được trước tình hình, xu hướng phát triển của thị trường, của nền kinh tế để có những định hướng phù hợp trong quản lý cũng như hỗ trợ DN phát triển. “Chúng ta còn thiếu sót lớn khi chưa quy định một cách chính thức địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh cá thể để ghi nhận tư cách pháp lý của khu vực kinh doanh này vào trong luật, từ đó, tạo hành lang pháp lý, nền tảng cho những văn bản khác, ví dụ như chính sách về thuế, kế toán giúp cho hộ kinh doanh phát triển, trở thành DN trong tương lai”, ông Nam nhấn mạnh.
Cần một địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nhanh chóng chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, coi các hộ kinh doanh là DN để từ đó có khuôn khổ pháp lý và chính sách phù hợp.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, nước ta nên loại bỏ hình thức hộ kinh doanh, thay vào đó chuyển các hộ này thành DN. Kéo theo đó, trong luật cần quy định giai đoạn chuyển tiếp, chế độ quản lý tài chính kế toán đơn giản, phù hợp cho họ đáp ứng một cách thuận lợi, hiệu quả nhất. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, chuyên nghiệp hóa cho các hộ kinh doanh mà Nhà nước cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý, hỗ trợ họ trong những hoạt động kinh doanh.
Trên thực tế, hiện nước ta có rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn, doanh thu cao nhưng vẫn có tâm lý không muốn chuyển thành DN. Nguyên nhân chủ yếu là do ngại va chạm, ràng buộc về thủ tục hành chính, quy định, ngại thực hiện nhiều nghĩa vụ về quản lý nhà nước như bảo hiểm, công đoàn, lao động, thuế (mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính); lo ngại các thủ tục hành chính có thể còn rườm rà như chuyển đổi giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận bán lẻ…
Ông Nam cho rằng, nước ta cần khuyến khích một cách mạnh mẽ, thậm chí là điều chỉnh bằng quy định để đưa hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Điều này không chỉ gia tăng số lượng DN mà còn giúp khu vực này dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, với tư cách pháp nhân là DN sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển hơn như hàng hóa dịch vụ cũng dễ được đưa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển và bảo vệ thương hiệu, thuận lợi trong việc huy động vốn…
Thêm vào đó, ông Nam chia sẻ, hộ kinh doanh là khu vực có dư địa về thuế lớn, do đó chuyển đối lên DN còn có lợi cho ngân sách nhà nước (NSNN), đóng góp tích cực cho NSNN, tránh thất thu thuế, góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay các điều kiện, thủ tục để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN rất đơn giản, các cơ quan liên quan đều hỗ trợ tận tình, ví như ngành Thuế sẵn sàng hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa trong việc kê khai và nộp thuế… Đây là những điều kiện thuận lợi giúp các hộ kinh doanh chuyển lên mô hình DN.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia gợi ý, không nằm ngoài tiến trình phát triển của nền kinh tế, hộ kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ, dịch vụ… được dự báo cũng sẽ chịu nhiều tác động từ các Hiệp định thương mại như CPTPP, EVAFTA. Do đó, nước ta có thể quy định hộ kinh doanh thành một khu vực DN đặc biệt với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để nuôi họ lớn mạnh, hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững.
Tố Uyên
—————————————————————
Thời báo Tài chính (Kinh doanh) 28-02-2019:
(195/1.180)