(TP) – Từ ngày 19/2/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên tiếp ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với hai cá nhân, một tổ chức với số tiền phạt hơn 546 triệu đồng. Liên tiếp sau đó, hơn 10 quyết định xử phạt tiếp tục được công bố.
Nhiều sai phạm trên TTCK cần tăng mức xử phạt nặng hơn
Liên tiếp xử phạt vi phạm
Ngày 19/2/2019, UBCKNN ra quyết định xử phạt bà Lê Thanh Định, người liên quan với ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần (CTCP) Thành Thành Công – Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) 65 triệu đồng. Nguyên nhân, bà Lê Thanh Định bán 705.650 cổ phiếu SBT từ ngày 12/9/2017 đến ngày 14/9/2017 và mua 788.890 cổ phiếu SBT ngày 26/09/2017 nhưng không báo cáo UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch.
Cũng trong ngày 19/2/2019, UBCKNN xử phạt ông Nguyễn Duy Phương, một nhà đầu tư cá nhân 31,5 triệu đồng. Ông Duy có hành vi vi phạm hành chính khi báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.
Cùng ngày này, Thanh tra UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 1: Phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán; Phạt 100 triệu đồng vì không báo cáo theo quy định pháp luật đối với các tài liệu: Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất qua các năm…
Liên tục trong một tuần qua từ 20 đến 26/2/2019, hơn 10 quyết định xử phạt vi phạm đã được cơ quan thanh tra chứng khoán tiếp tục công bố. Đặc biệt, ngày 22/2/2019, UBCKNN ban hành Quyết định số 137 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đinh Xuân Cường với mức xử phạt lên tới 550 triệu đồng (Địa chỉ: Số 10, ngõ 10, Hà Trì 1, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) do ông này có hành vi đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần ANI (Mã chứng khoán: SIC).
Sẽ tăng mức phạt
Theo số liệu của UBCKNN, trong năm 2019, có 9 cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi phạm thao túng giá cổ phiếu với mức phạt lên tới 5,1 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt về tội thao túng giá chứng khoán chiếm hơn 25% trong tổng số tiền phạt của cả năm. Với kết quả này, 2018 được xem là năm “kỷ lục” về xử phạt thao túng giá chứng khoán.
Nhận xét về tần suất vi phạm vẫn liên tục tăng, lãnh đạo các công ty chứng khoán cho rằng, mức phạt 500- 600 triệu đồng/lần vi phạm đối với các đối tượng có hành vi thao túng giá chứng khoán là rất nhẹ so với mức độ các vi phạm trong bối cảnh hiện nay. Mức phạt này chỉ phù hợp với cách đây 10 năm.
Cũng xuất phát từ thực tế này, để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, trong quá trình sửa Luật Chứng khoán và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Chứng khoán đã kiến nghị bổ sung vào các luật này các chế tài mới theo hướng tăng nặng. Cụ thể: Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt vi phạm lần đầu.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc Ban soạn thảo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa từ 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức, từ 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là còn thấp. “Nên tính toán nâng lên 10 tỷ đồng, thậm chí khi quy mô TTCK phát triển, tính chất nguy hiểm của các vi phạm gia tăng, để đảm bảo tính răn đe có thể tăng mức phạt lên tới 100 tỷ đồng”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
“Nên tính toán nâng lên 10 tỷ đồng, thậm chí khi quy mô TTCK phát triển, tính chất nguy hiểm của các vi phạm gia tăng, để đảm bảo tính răn đe có thể tăng mức phạt lên tới 100 tỷ đồng”.
Luật sư Trương Thanh Đức
KHÁNH HUYỀN
——————————————–
Tiền phong (Kinh tế) 01-3-2019:
https://www.tienphong.vn/kinh-te/thao-tung-va-vi-pham-ve-chung-khoan-phat-nhieu-van-nhon-1383173.tpo
(158/854)