(ND) – Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp chỉ có thể đạt được mục tiêu là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi nếu hội tụ được sự thay đổi từ cả tư duy quản lý nhà nước và tư duy của doanh nghiệp.
Cần phải cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Không chỉ sửa sai
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI là một trong những luật sư đầu tiên gửi kiến nghị tới Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sau khi Dự thảo được công bố lấy ý kiến. Quan điểm của ông Đức là, cần bắt tay vào sửa đổi lớn, một cách căn bản, tránh việc sửa đổi chỉ theo hướng gỡ rối, sửa sai sẽ dẫn đến nguy cơ phải sửa đổi nhiều lần nữa.
Dẫu đề xuất sửa đổi, bổ sung 75 điều luật trên tổng số 289 điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cộng cả 3 điều và 1 phụ lục về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã được sửa đổi hồi năm 2016, ông Đức chưa thấy an tâm.
“Có những vấn đề đã được chứng minh là không cần thiết, nhưng vẫn chưa được sửa như chỉ bãi bỏ thủ tục đăng ký mẫu dấu, trong khi thực tế đã chứng minh con dấu doanh nghiệp (DN) không cần thiết. Như vậy, tình trạng công ty luật, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán… vẫn không được tự quyết định hình thức, nội dung, việc quản lý và sử dụng mẫu dấu vẫn không được giải quyết. Như vậy, DN vẫn phải được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu như đối với cơ quan nhà nước”, từ phân tích này, ông Đức đề xuất thêm việc bỏ hẳn quy định phải đóng dấu hoặc nếu giữ lại thì phải thống nhất cho tất cả.
Tương tự, ông Đức cũng đề nghị bỏ yêu cầu thông báo ngành nghề đăng ký kinh doanh khi DN đăng ký thành lập.
“Chúng tôi đề nghị ghi nhận các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà DN đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký DN, để bảo đảm sự giám sát của các bên. Thực thi điều kiện thế nào là việc sau”, ông Đức nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Văn Hà, luật sư Công ty Luật Pathlaw đã nhắc đến điều mà ông cho là không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp của Luật Doanh nghiệp, khi không quy định hộ kinh doanh trong đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, nhưng lại được nhắc đến trong một điều của luật và là một đối tượng được hướng dẫn trong nghị định hướng dẫn luật.
“Tôi đề cập đến nội dung này, nhưng với quan điểm cần bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển của hộ kinh doanh – thực chất là “DN một chủ” là thực tế khách quan. Trong khi các nước phát triển duy trì loại hình DN này với nhiều ưu đãi, hỗ trợ, thì hệ thống pháp luật của Việt Nam gần như gạt khu vực này ra ngoài”, ông Hà góp ý thẳng thắn.
Đề nghị của vị luật sư này là bổ sung một chương trong Luật Doanh nghiệp quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh có đăng ký. Nghĩa là sẽ bỏ quy định có tính cưỡng ép về việc bắt buộc hộ gia đình có đăng ký kinh doanh chuyển thành DN.
Cơ hội nâng chất quản trị doanh nghiệp
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người được giao trách nhiệm phần nội dung về Luật Doanh nghiệp trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng thừa nhận, còn nhiều vấn đề phải thảo luận.
Theo ông Hiếu, mục tiêu của lần sửa đổi này là đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp và đặc biệt là nâng cao và thúc đẩy quản trị DN tốt.
Tuy nhiên, việc trao quyền tối đa cho DN, cho cổ đông cũng đang tạo nên những vấn đề mới mà Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư phải tính toán.
Thực tế, có nhiều quy định trong Luật Doanh nghiệp hiện hành không được thực hiện, như việc DN phải thành lập ban kiểm soát, có thành viên hội đồng quản trị độc lập, hay quy định rõ về đại diện DN theo pháp luật tại điều lệ công ty…
Nhiều DN nói, không quy định cũng không sao, nhưng nếu có phát sinh tranh chấp trong nội bộ DN, thì chính các DN đã tước đi những công cụ xử lý mà luật này đã trao cho.
“Phần lớn những DN có tranh chấp nội bộ kéo dài, không xử lý được là do quản trị yếu kém. Chúng tôi đang muốn nâng yêu cầu về quản trị tốt lên trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này, nghĩa là sẽ có nhiều yêu cầu hơn. DN có đồng tình không đang là câu hỏi, vì sự giằng xé giữa lợi nhuận trước mắt và phát triển lâu dài khiến nhiều DN không chọn quản trị theo thông lệ tốt nhất”, ông Hiếu phân tích.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, doanh nghiệp sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp; sửa đổi 24 điều, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 1 khoản, 2 điểm của Luật Đầu tư 2014.
MINH ÁNH
———————————————
Nhân Dân (cuối tuần) 02-3-2019:
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/the-thao/item/39361502-diem-hoi-tu-cua-doi-moi.html
(361/1.047)