2.191. Chính sách và cuộc sống: Chuyển đổi thực chất

(ĐBND) – Ông Nguyễn Văn Đức là chủ một cửa hàng chuyên phục vụ dịch vụ ăn uống trong một con phố sầm uất của Hà Nội. Từ một hiệu phở nho nhỏ chủ yếu là tận dụng phần sân tầng 1 của gia đình, sau gần chục năm, cửa hàng của ông ngày càng mở rộng, lúc nào cũng tấp nập khách ra vào với khoảng 15 nhân viên bếp, phục vụ, chạy bàn, thu ngân… Dù vậy, lần nào được hỏi về việc có muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp không, ông cũng chỉ có một câu trả lời: Không và cũng không có dự định chuyển đổi. 

Gia đình ông Đức chỉ là một trong gần 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động ở nước ta hiện nay. Với doanh thu hơn 2 triệu tỷ đồng, các hộ kinh doanh cá thể không chỉ đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế với hơn 30% GDP mà còn góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (theo “định nghĩa”của Luật Doanh nghiệp) chỉ đóng góp được khoảng 8% GDP.

Tuy nhiên, cũng giống như ông Đức, đại đa số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp. Các kết quả khảo sát được công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp là vô cùng ít ỏi. Lý do là bởi, lợi ích từ việc chuyển đổi chưa đủ sức hấp dẫn trong khi việc chuyển đổi thành doanh nghiệp quá phức tạp về thủ tục, lại phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính và chi phí sẽ tăng lên do phải thực hiện các thủ tục như bảo hiểm, công đoàn, thuế, thanh tra, kiểm tra… Trong khi, những giải pháp để thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trên thực tế vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Có lẽ vì thế mà nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng việc Chính phủ đang chuẩn bị trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ tạo ra những thay đổi căn bản về khuôn khổ chính sách đối với mô hình hộ kinh doanh. Thậm chí, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã đến lúc phải loại bỏ mô hình hộ kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Bởi lẽ, mô hình này, vốn được sinh ra để “lấp chỗ trống” thời kỳ bao cấp khi chưa có chủ trương thành lập doanh nghiệp tư nhân – đến nay, đã hết vai trò. Từ chỗ chỉ có doanh nghiệp nhà nước, hoặc cùng lắm là công ty hợp danh, đến năm 1989, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội phải được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt thì hiện nay, cơ chế thành lập doanh nghiệp đã rất thoáng, người không có chuyên môn, trình độ gì cũng có thể thành lập doanh nghiệp. Việc tiếp tục duy trì mô hình hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp, theo ông Trương Thanh Đức, sẽ là một sự bất bình đẳng và một sự mập mờ pháp lý.

Ở góc độ khác, việc xóa bỏ mô hình hộ kinh doanh cá thể, buộc các hộ kinh doanh hiện nay phải chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ giúp tạo ra một sự đảo chiều ngoạn mục đối với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của nước ta từ chỗ “rất khó đạt được” sẽ trở nên “dễ dàng”.

Như vậy, xóa bỏ mô hình hộ kinh doanh để chuyển đổi thành doanh nghiệp có thể xem là một đề xuất đa mục tiêu. Và thoạt nhìn thì mục tiêu nào cũng rất hấp dẫn. Nhưng cũng chính vì vậy mà đề xuất này càng phải được đánh giá tác động cẩn trọng.

Mọi biện pháp, giải pháp chính sách mang tính chất “cưỡng chế” có thể sẽ buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng khi đó chúng ta sẽ có những doanh nghiệp theo kiểu “vỏ doanh nghiệp, ruột hộ kinh doanh” chứ không thể tạo ra những thay đổi thực sự về “chất”. Nói cách khác, sự khập khiễng giữa mô hình và năng lực hoạt động thực tế như vậy sẽ không thể làm cho các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi phát triển lớn mạnh hơn mà ngược lại sẽ khó khăn hơn, nhiều thách thức hơn.

Xét đến cùng, dù là mô hình hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất với người hoạt động kinh doanh vẫn là phải “sống” được và có niềm tin vào việc “sống” được. Niềm tin này phải được xây dựng trên nền tảng pháp lý ổn định, thông thoáng, đơn giản, minh bạch, công bằng với chi phí hợp lý.

Vì thế, phải xác định một lộ trình hợp lý và quyết tâm thực hiện với những giải pháp cụ thể, rõ ràng, tạo động lực thực chất cho các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong đó, với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, đầu tư, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư phải cắt giảm tối đa các điều kiện kinh doanh cho nhóm doanh nghiệp chính thức có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa đổi các luật về thuế và Luật Kế toán, áp dụng một chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với năng lực thực tế của các doanh nghiệp sau chuyển đổi.

Quỳnh Chi

———————————————————

Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn) 03-3-2019:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=417398

(195/995)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,982