(NQT) – Theo ông Hirota Fushihara, một chuyên gia pháp lý người Nhật Bản, Việt Nam có thể quản lý tốt các hộ kinh doanh cá thể mà không cần phải đưa họ trở thành doanh nghiệp nếu thực hiện tốt những quy định của pháp luật và thuế.
Việc đưa hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm tới 30% GDP cả nước, tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các hộ kinh doanh đang bị loại ra khỏi Luật Doanh nghiệp, không được xem là doanh nghiệp trong khi họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Do đó, cần xoá bỏ quy định về hộ kinh doanh và chuyển họ trở thành doanh nghiệp tư nhân.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp tư nhân (trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân). Quy định hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được sinh ra để lấp chỗ trống thời kỳ cấm doanh nghiệp tư nhân, nay đã hết vai trò. Việc duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là không hợp lý.
Do đó, ông Đức kiến nghị cần loại bỏ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế và với hoạt động của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn mạnh.
Những hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất; chính sách cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, sổ sách kế toán để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Do đó, giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo ông Lộc là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các Luật Thuế và Luật Kế toán thời gian tới. Mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay, ông Lộc nhấn mạnh.
Có cần thiết phải chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp?
Đứng trên quan điểm khác về vấn đề này, ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản đang sống và làm việc ở Việt Nam cho rằng, theo quy định pháp luật, đặc trưng của hộ kinh doanh là quy mô nhỏ, kinh doanh cá nhân bằng những ngành nghề cố hữu, phục vụ cho kinh tế cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư xung quanh.
Họ cần tập trung cho kinh doanh mỗi ngày, vì vậy phần nhiều trong số họ không cần trở thành doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân có một số ưu điểm nhất định như có thể kinh doanh những ngành nghề được quy định trong Luật Doanh nghiệp, có thể thuê nhiều lao động, mở thêm chi nhánh. Đồng thời, họ cũng bị ràng buộc bởi các quy định kế toán phức tạp hơn, nhiều sổ sách kế toán, chế độ đăng ký doanh nghiệp tư nhân cũng rất phức tạp.
Trong khi đó, hộ kinh doanh quy mô nhỏ, không có đủ thời gian và công sức để xử lý một số lượng nhiều sổ sách kế toán như vậy, ông Hirota nhận định.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, Việt Nam đã có những quy định pháp luật về thuế tương đối đầy đủ, các hộ kinh doanh đã có chế độ khấu trừ chi phí cho kinh doanh trước khi đánh thuế cũng như chế độ đánh thuế khoán. Cùng với đó, cũng có thuế thu nhập cá nhân để đánh thuế phù hợp đối với nguồn thu nhập của những cá nhân kinh doanh.
Các hộ kinh doanh đang hoạt động bình thường theo các chế định pháp luật như Bộ Luật Dân sự, pháp luật về thuế, các quy chế kinh doanh. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đang có sự chưa bình đẳng giữa hộ kinh doanh và các doanh nghiệp hoạt động chính thức là không chính xác.
“Không thể nói rằng hộ kinh doanh đang hoạt động không chính thức. Quan trọng là cơ quan nhà nước thực thi pháp luật như thế nào? Khi thực hiện chế độ pháp luật về thuế, họ có thực hiện toàn diện đến đâu? Chế độ thuế và kê toán đang áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh có thật sự hợp lý vừa bảo đảm khả năng kiểm soát vừa bảo đảm sự tiện lợi cho các chủ thể kinh doanh này hay không”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Hirota, các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cần được động viên và khuyến khích bằng cách tạo điều kiện để hoạt động dễ dàng, linh hoạt và phù hợp hơn với đặc trưng hoạt động của họ. Việc áp dụng luật doanh nghiệp cho các chủ thể này sẽ tạo ra gánh nặng và chi phí cơ hội không cần thiết cho các đối tượng này.
Việc động viên và thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh cần được thực hiện bởi những biện pháp và chính sách khác trên cơ sở coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường.
Lấy ví dụ như tại Nhật Bản, ông Hirota cho hay, hiện Nhật Bản có rất nhiều chủ thể kinh doanh cá nhân và hộ kinh doanh nhưng quốc gia này không có Luật Doanh nghiệp, mà chỉ có Luật Công ty. Ở đó, các cá nhân kinh doanh hoặc hộ kinh doanh không bị đòi hỏi về chế định quản trị bắt buộc, bởi vốn dĩ quản trị là khái niệm dành cho các pháp nhân.
Cá nhân và hộ kinh doanh đươc tồn tại theo Bộ Luật Dân sự và nộp thuế theo thuế thu nhập cá nhân. Chế độ thuế thu nhập cá nhân cho phép các cá nhân và hộ kinh doanh áp dụng các thể loại quản lý sổ sách kế toán một cách giản đơn, tùy theo cách lập sổ sách kế toán thì có thể áp dụng ưu đãi về mức khấu trừ thuế.
An Chi
——————————————————-
Nhà quản trị (Tiêu điểm 247) 11-3-2019:
https://theleader.vn/ho-kinh-doanh-ca-the-co-nhat-thiet-phai-len-doanh-nghiep-1552274874906.htm
(150/1.277)