(VietQ) – “Không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ, mà phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ.
Doanh nghiệp siêu nhỏ phải dễ sống như hộ kinh doanh
Chia sẻ tại tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật sư Đức cho rằng cần có quy định theo lộ trình tăng dần, yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đang được miễn thuế.
Kế toán trước mắt gần như cũ. Đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành.
Tức về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như không giới hạn địa điểm kinh doanh hay chỉ được thuê dưới 10 lao động.
Ông Đức nhấn mạnh, hộ kinh doanh và doanh nghiệp dù khác nhau bao nhiêu vẫn phải có một đòi hỏi xuất phát, một yêu cầu tối thiểu, một tiêu chuẩn nền tảng hay mặt bằng cơ sở. Tuy nhiên, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống.
Hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do và vai trò lịch sử?
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp là những tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Nếu ví lực lượng này như một tháp kinh doanh thì tất cả đều phải dựa trên nền tảng chung, cho dù đa số ở chân tháp, một số ở giữa tháp và chỉ một số rất ít ở đỉnh tháp.
Theo Luật sư Đức, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong rất nhiều năm pháp luật không khuyến khích. Tuy nhiên, từ năm 1990, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải có vốn pháp định từ 20 triệu đồng (như các cửa hàng dịch vụ) cho đến 240 triệu đồng (thủy điện), đồng thời phải được phép của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì việc thành lập hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do và vai trò lịch sử. Ảnh minh họa
Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân. Vì vậy, hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do và vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ do sự khiếm khuyết của pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng, vì rằng vì 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, đơn giản, nên đương nhiên trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế.
Ông Đức cho biết thêm, có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không đăng ký. Chỉ nhóm có đăng ký mới đặt ra yêu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp. “Không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến quy mô nhất định là doanh nghiệp. Tức thừa nhận 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh, thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp.
Bảo Thanh
——————————————-
VietQ (Kinh doanh) 04-4-2019:
(869/869)