2.216. Đề xuất đưa hộ kinh doanh thành một loại hình doanh nghiệp: Nên hay không?

(HQ) – Để đảm bảo mọi người dân kinh doanh đều có quyền tự do, bình đẳng, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng, cần có cơ sở pháp lý dành riêng cho hộ kinh doanh.

Ảnh minh họa: Internet

Loại hình doanh nghiệp mới

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, mọi sửa đổi các văn bản pháp luật đều phải dựa trên việc đảm bảo quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, nên việc đưa quy định pháp lý cho hộ kinh doanh cũng phải đảm bảo điều này. Thời gian qua, khung khổ pháp lý hiện hành chưa đảm bảo tự do, bình đẳng cho các hộ kinh doanh, các hộ này vẫn bị “trói buộc”, ít được bảo vệ khi tranh chấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn… trong khi loại hình kinh tế này có đóng góp không nhỏ cho GDP toàn quốc.

Chính vì thế, trong bối cảnh hội nhập, mọi nền kinh tế đều có thể phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nâng cấp, tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động; việc lựa chọn kinh doanh theo hình thức nào là quyền của người kinh doanh nhưng quyền lợi và trách nhiệm vẫn phải đảm bảo.

“Phải công nhận hộ kinh doanh là 1 loại hình doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp hiện có 4 loại hình thì có thể thêm 1 loại nữa là hộ kinh doanh cá thể có đăng ký – ví dụ thế. Nghĩa là không bắt các hộ kinh doanh phải chuyển đổi, phải đổi tên, nhưng lại được bảo hộ trên cơ sở pháp lý”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, hộ kinh doanh cá thể đang đóng góp cho tới 30,5% GDP và tạo công ăn việc làm cho khoảng 8,7 triệu lao động trên cả nước. Tuy nhiên, vị này cho rằng, đề xuất đưa loại hình hộ kinh doanh cá thể thành một hình thức doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp quả thực sẽ gây khó cho rất nhiều đối tượng, ngay cả từ khi hình thành ý tưởng và khi thực hiện nếu như đề xuất này được chấp thuận đưa vào Luật Doanh nghiệp.

Ông Bình cho rằng, những người gặp khó khăn đầu tiên đối với đề xuất chính sách này có lẽ lại chính là Ban Soạn thảo của Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp tới; bởi việc ghi danh hộ kinh doanh cá thể, coi đó là một loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sẽ không đảm bảo được địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

“Luật Doanh nghiệp đã có quy định về hình thức doanh nghiệp tư nhân (bản chất là doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể). Thế nhưng các chủ hộ kinh doanh cá thể đã không lựa chọn hình thức này mà đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể. Nên sẽ là thách thức cho Ban soạn thảo hoặc các nhà lập pháp đề giải trình về sự khác biệt giữa hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện tại với hình thức doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể”, ông Bình nói.

Không có ý nghĩa?

Đặc biệt, theo Luật sư Trần Vũ Hải, ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ phát triển là không có ý nghĩa, vì thực tế hiện nay cũng không có cơ chế hỗ trợ gì nhiều cho những doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ hoặc nếu có cơ chế, phần lớn những doanh nghiệp này không biết đến, không quan tâm và cũng không đến với họ.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ, không khác gì việc thành lập hộ kinh doanh. Vì vậy, việc tồn tại “hộ kinh doanh” đã không còn hợp lý.

Do vậy, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, giải pháp không phải là lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến 1 quy mô nhất định là doanh nghiệp.

Còn theo ông Lê Duy Bình, việc chính thức hóa và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh sẽ đòi hỏi các sửa đổi khác của Luật Doanh nghiệp cộng với một lộ trình hợp lý nhằm bắt buộc với một số đối tượng hộ kinh doanh cá thể, đồng thời giảm chi phí tuân thủ, nâng cao các lợi ích và khiến các hộ kinh doanh có thể thấy rõ ràng được lợi ích so với chi phí khi đăng ký theo Luật Doanh nghiệp hơn là đăng ký theo hình thức hô kinh doanh.

Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI sẽ có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội để có đề xuất thuận lợi; nhưng quan điểm là không thể để hộ kinh doanh hoạt động như khuôn khổ pháp lý hiện hành, VCCI sẽ đề xuất nhiều phương án đề chọn lựa.

Hương Dịu

—————————————————

Hải quan (Doanh nghiệp) 04-4-2019:

https://baohaiquan.vn/de-xuat-dua-ho-kinh-doanh-thanh-mot-loai-hinh-doanh-nghiep-nen-hay-khong-102418.html

(113/984)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,975