(DĐDN) – Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC khẳng định cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
Ông Trương Thanh Đức, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vì trong quá khứ, pháp luật không khuyến khích, chậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân.
Hộ kinh doanh đã hết vai trò lịch sử
Tuy nhiên, từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh, đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.
“Vì vậy hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Đức sở dĩ hộ kinh doanh là lựa chọn của nhiều người vì 3 Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản.
“Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì 2 chủ thể kinh doanh là công ty và hộ kinh doanh là điều cần phải suy nghĩ”, ông nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC khẳng định việc hộ kinh doanh “còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật”.
Bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp
Theo phân tích của ông Trương Thanh Đức, dù chung nhau bản chất nhưng quy định pháp luật giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ rất khác nhau. Chẳng hạn như hộ kinh doanh không giới hạn số thành viên còn doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ tối đa 50 thành viên; hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại 1 địa điểm trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ không giới hạn.
Về lệ phí môn bài, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn – 1 triệu đồng tùy doanh thu, trong khi đó doanh nghiệp phải nộp 1 – 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.
Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1 – 2 – 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 – 5 – 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân từ 0,5 – 2 – 5% doanh thu.
Hộ kinh doanh cũng không cần báo cáo tài chính, hóa đơn giá trị gia tăng như doanh nghiệp siêu nhỏ…
Ông Trương Thanh Đức cho rằng việc duy trì các quy định khác nhau như trên đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp.
“Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ”.
Ngoài ra, nếu hộ kinh doanh là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình làm chủ thì phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng hoặc cả gia đình.
“Rủi ro là quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng và cả gia đình, thay vì thì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với doanh nghiệp tư nhân)”, ông Đức phân tích.
Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thu hút đông đảo doanh nghiệp và chuyên gia tham dự.
Cần thừa nhận 1,6 triệu hộ đăng ký kinh doanh như một loại hình doanh nghiệp
Hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Ông Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
“Cần có quy định theo lộ trình tăng dần, yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt một vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ, đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành”, ông Đức đề xuất.
Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, ông Đức cho rằng Chính phủ không cần đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp, vì quy mô nhỏ và vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh.
Điều mấu chốt là “không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống”, ông Đức bình luận.
Huyền Trang
————————————————————————————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Kinh doanh & Pháp luật) 04-4-2019:
(1.114/1.114)