(TBTC) – Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có các hộ kinh doanh (HKD) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Với số lượng đông đảo, các HKD đang đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước
Do vậy, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho HKD để đảm bảo địa vị pháp lý của nhóm đối tượng này, cũng như thúc đẩy họ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Đây là chủ đề chính được trao đổi tại Tọa đàm “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho HKD theo Luật Doanh nghiệp (DN)”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 4/4.
Hiệu quả kinh tế hộ chưa đạt như mong muốn
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, hiện trên cả nước có khoảng 1,6 triệu HKD chính thức và hàng triệu HKD phi chính thức. Với số lượng đông đảo, các HKD đang đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước như: thu hút, sử dụng, tận dụng nguồn lực lao động của xã hội một cách tối ưu, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Tuy nhiên, bà Cúc cũng cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường, nhưng hiệu quả kinh tế của các HKD vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân là bởi hầu hết HKD có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, vốn ít, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn do các tổ chức tín dụng chưa thật sự tin tưởng vào nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, phương thức bán hàng thường bán trực tiếp đến người tiêu dùng và thanh toán tiền mặt nên hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm; trình độ quản lý và tiếp cận công nghệ cũng còn có phần hạn chế…
Đồng quan điểm trên, bên cạnh đó, nhìn từ góc độ luật pháp, theo ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, HKD có một điểm bất lợi rất lớn so với DN nếu trong quá trình sản xuất, kinh doanh xảy ra rủi ro. “Theo quy định pháp luật, nếu HKD chỉ có 1 chủ thì có các trách nhiệm tương tự như với DN tư nhân, nhưng nếu HKD là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình, thì phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng hoặc cả gia đình. Tức là rủi ro quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng và cả gia đình, thay vì là công ty hoặc DN tư nhân thì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với DN tư nhân)” – ông Đức phân tích.
Cần chính thức hóa hộ kinh doanh
Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, hiện trên cả nước có khoảng hơn 700.000 DN. Các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải có ít nhất 1 triệu DN hoạt động; năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. Trong khi đó, hiện nay cả nước đã có khoảng 1,6 triệu HKD chính thức và hàng triệu HKD phi chính thức. Bởi vậy, theo bà Cúc, nếu có các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm khuyến khích HKD chuyển thành DN thì sẽ góp phần hoàn thành tốt mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020.
Đặc biệt, về phía HKD, theo bà Cúc, khi chuyển đổi lên mô hình DN, HKD sẽ có rất nhiều thuận lợi. Cụ thể, tạo thêm nhiều cơ hội tốt hơn cho các HKD nâng cao vị thế của mình trên thương trường, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho chủ DN, tăng cường hạch toán kinh tế thông qua công tác giữ sổ sách kế toán. Đặc biệt, HKD chuyển thành DN sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế chỉ áp dụng đối với DN, chủ động trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thông qua cơ chế tự khai tự tính tự nộp, nộp thuế điện tử… thay vì nộp thuế khoán, ấn định…
Đồng quan điểm trên, tuy nhiên, ông Trương Thanh Đức cũng nêu lên một thực tế là nhiều HKD không muốn chuyển thành DN. Trong đó, có một nguyên nhân là HKD sợ bị các cơ quan nhà nước tìm đến làm việc nhiều hơn như các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường… Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Đức, dù là HKD hay DN, nếu chấp hành tốt các quy định pháp luật thì khả năng bị “hành” vô cớ là rất thấp.
Với những lợi ích thấy rõ của việc chuyển đổi từ HKD DN, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, một mặt cần gia tăng cơ chế, chính sách khuyến khích HKD tự nguyện chuyển thành DN. Quan trọng hơn, cần xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn thiện cho HKD để đảm bảo địa vị pháp lý của nhóm đối tượng này.
Ông Lê Duy Bình – chuyên gia kinh tế, Công ty Economica Vietnam chia sẻ, việc chính thức hóa và nâng cao địa vị pháp lý của HKD sẽ đòi hỏi các sửa đổi khác của Luật DN cùng với một lộ trình hợp lý và các bước đi phù hợp. Đặc biệt, cần giảm chi phí tuân thủ, nâng cao các lợi ích và khiến các HKD có thể thấy rõ ràng được bài toán lợi ích khi đăng ký theo Luật DN, hơn là đăng ký theo hình thức HKD.
Ông Bình đơn cử, Singapore mất nhiều thập niên với các chính sách kiên trì khác nhau, kết hợp cả bắt buộc, hỗ trợ và khuyến khích, để chính thức hóa các cá nhân và HKD bán hàng rong tại quốc đảo và đã đạt được những thành công đáng học tập. Điều quan trọng là các biện pháp này luôn phù hợp với các nguyên tắc thị trường, hài hòa giữa lợi ích của người kinh doanh và lợi ích xã hội và có một lộ trình thích hợp để phù hợp với điều kiện thực tiễn của các HKD và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Diệu Thiện
————————————————————————
Thời báo Tài chính (Nhịp sống tài chính) 04-4-2019:
(255/1.180)