(CAND) – Đây là ý kiến đề xuất của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC tại Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 4-4.
Số liệu thống kê cho thấy hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh.
Đáng chú ý là theo Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định khu vực doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ bao gồm hơn 700 nghìn DN đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.
5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP. |
“Rõ ràng khu vực hộ kinh doanh đang góp phần lớn trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nếu chính thức hóa, minh bạch hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực này, đây sẽ là chìa khóa giúp cải thiện chất lượng và tạo sự đột phá trong phát triển của nền kinh tế”, Luật sư Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw nêu ý kiến.
Trước thực tế này, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến có đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, điều tra hàng năm của VCCI về PCI có khoảng 17-18% DN đang hoạt động trước đây họ từng là hộ kinh doanh và nay đã chuyển lên thành DN. Do đó, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là tạo ra một cú hích cho cộng đồng DN nói chung, trong đó bao gồm hộ kinh doanh.
Theo một góc nhìn khác, LS Trương Thanh Đức cho rằng hộ kinh doanh đã thật sự hết lý do, vai trò lịch sử, nên khi những hộ kinh doanh này còn sự tồn tại và phát triển như là DN mà không được thừa nhận là DN chỉ là do sự “khiếm khuyết” của pháp luật.
Theo phân tích của ông Trương Thanh Đức, dù chung nhau bản chất nhưng quy định pháp luật giữa hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ rất khác nhau. Chẳng hạn như hộ kinh doanh không giới hạn số thành viên còn DN siêu nhỏ chỉ tối đa 50 thành viên; hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại 1 địa điểm trong khi DN siêu nhỏ không giới hạn.
Về lệ phí môn bài, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn đến 1 triệu đồng tùy doanh thu, trong khi đó DN phải nộp 1 – 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư. Hay như thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1 – 2 – 5% doanh thu, trong khi DN siêu nhỏ chịu thuế suất 0 – 5 – 10% (có được khấu trừ thuế).
Ông Đức cho rằng việc duy trì các quy định khác nhau như trên đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với DN vì một DN có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán DN, nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ.
Bởi vậy, ông Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN, để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với DN, ít nhất là DN siêu nhỏ. Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, ông Đức cho rằng Chính phủ không cần đặt ra vấn đề phải nâng lên thành DN, vì quy mô nhỏ và vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh.
Nhóm PV
——————————————————————
Công an Nhân dân (Doanh nghiệp) 05-4-2019:
(461/807)