(TBKD) – Để chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể, một trong những đề xuất được đưa ra là đưa loại hình hộ kinh doanh này thành một hình thức doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Tuy nhiên, ngay lập tức đề xuất này gặp phải những phản ứng trái chiều. Cách gì để quản hộ kinh doanh cho “danh chính ngôn thuận”?
Tại Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi ngày 4/4, để thấy rõ hơn bức tranh hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay, ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, đưa ví dụ dẫn chứng: hộ kinh doanh A sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề X, bán hàng qua công ty xuất nhập khẩu (XNK) B chuyên nhận ủy thác mua bán hàng hóa. Công ty B hợp tác với tập đoàn bán lẻ C (nước ngoài) để bán hàng thủ công mỹ nghệ do hộ kinh doanh A sản xuất.
Có sự bất bình đẳng
Tập đoàn bán lẻ C tìm đến hộ kinh doanh A đề xuất hộ này thành lập DN để có thể trực tiếp ký hợp đồng hợp tác với mình mà không phải thông qua công ty B. Sau đó, Tập đoàn C đặt ra những điều kiện tuân thủ của mình và của pháp luật Việt Nam áp dụng cho các DN như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hộI (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), các loại thuế, giấy phép…
Sau hai năm vận hành, DN A (trước là hộ kinh doanh A) liên tục bị thua lỗ do chi phí tuân thủ cao (bao gồm cả chi phí tuân thủ pháp luật dưới mô hình DN) trong khi giá bán hàng hoá lại không được tăng do sức ép cạnh tranh toàn cầu. DN A quyết định giải thể để trở lại mô hình kinh doanh cũ.
Ông Quang đưa ra một ví dụ khác: cục thuế tỉnh Y trao đổi với hộ kinh doanh B chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công xuất khẩu với quy mô khá lớn thành lập DN thay vì duy trì mô hình hộ kinh doanh. Sau khi thành lập một thời gian, chủ DN này lúng túng trong việc vận hành và quản trị DN, không nắm rõ từ hoạt động kế toán của DN đến các loại giấy phép, chứng chỉ hoạt động…
Do những yêu cầu của pháp luật và thị trường ngày một khắt khe trong hoạt động sản xuất đồ gỗ, DN B quyết định giải thể để trở lại mô hình hộ kinh doanh nhận việc theo hình thức gia công cho DN khác…
Phân tích sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và DN, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho biết một DN có doanh thu chỉ vài chục hay vài trăm triệu một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán DN, nhưng một hộ kinh doanh bán buôn có thể có doanh thu tới hàng chục, hàng trăm tỷ, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn “vẽ gì thì vẽ”. Đó là lý do vì sao hộ kinh doanh không muốn “lớn” thành DN.
Vì vậy, một trong những đề xuất được đưa ra tại Luật DN 2014 sửa đổi là đưa loại hình hộ kinh doanh cá thể thành một hình thức DN đã gặp phải những phản ứng trái chiều.
Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Vietnam, cho rằng Luật DN vốn đã có quy định về hình thức DN tư nhân (bản chất là DN một chủ, DN cá thể), thế nhưng các chủ hộ kinh doanh cá thể đã không lựa chọn hình thức này mà lựa chọn hình thức cũ.
“Câu hỏi đặt ra khi sửa đổi Luật DN sắp tới sẽ là tại sao các chủ hộ kinh doanh không lựa chọn hình thức DN tư nhân khi đăng ký DN mà lại lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể và đâu là biện pháp để xóa bỏ những quan ngại đó, chứ chắc chắn không phải là câu hỏi về việc có đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật DN hay không?”, ông Bình đặt vấn đề.
Chính thức hóa hộ kinh doanh không nhất thiết là chuyển đổi thành công ty hay DN |
Không ép lớn thành DN
Nếu không tính những hộ kinh doanh thuộc đối tượng bắt buộc phải đăng ký thành DN hoặc các hộ có mong muốn chuyển đổi thành DN, sẽ có vài triệu hộ kinh doanh vốn đang yên ổn hoạt động sẽ phải tiến hành đăng ký lại theo quy định mới của Luật DN.
Điều này cũng có nghĩa là các hộ kinh doanh sẽ phải mất hàng chục triệu ngày công lao động, với tổng lũy kế quãng đường phải đi lại hàng triệu kilômét, tiêu tốn hàng tỷ đồng chỉ cho việc đăng ký lại mà họ chưa thấy được một lợi ích rõ ràng trong ngắn hạn từ việc đăng ký lại này.
Trước thực tế trên, ông Bình cho rằng chính thức hóa không nhất thiết là chuyển đổi thành công ty hay DN, vì trên thực tế có nhiều cá nhân không có nhu cầu thành lập công ty. Cơ quan quản lý cần có giải pháp chính sách khác để các hộ kinh doanh cá thể nâng cao tính chính thức.
Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh rất phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định.
Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh Úc (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Theo luật sư Nguyễn Như Chính, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, với quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN như hiện nay là hoàn toàn khó kiểm soát cũng như không có chế tài.
Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, với “nền kinh tế xe máy”, các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố với số vốn đầu tư nhỏ, doanh thu ít thì mô hình kinh doanh “nhỏ hơn DN” rất phù hợp.
Các ông bà chủ không muốn và không có nhu cầu tổ chức hoạt động kinh doanh lớn hơn, việc bắt buộc họ phải hoạt động dưới quy mô DN là không hợp lý. Một số quốc gia gọi những đối tượng này (hộ kinh doanh) là “thương nhân không đầy đủ”.
Do đó, biện pháp hợp lý là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại, bổ sung thêm những quy định về hộ kinh doanh liên quan tới kiểm soát tài chính, doanh thu, chứ không phải số lượng người lao động.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến một quy mô nhất định là DN.
Hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Ông Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN.
Trước mắt, một vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ, đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với DN siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành.
Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành DN.
Tóm lại, ông Đức cho rằng hộ kinh doanh và DN dù khác nhau bao nhiêu thì vẫn đều phải có một đòi hỏi xuất phát, một yêu cầu tối thiểu, một tiêu chuẩn nền tảng hay một mặt bằng cơ sở, chứ không thể hộ kinh doanh thì đo từ “mặt biển”, còn DN thì đo từ “chân núi”. Tuy nhiên, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên thì buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Hưng Quang – Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự Hãy để thị trường tự lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh thích hợp. Cần tôn trọng tính đa dạng của thị trường và thúc đẩy tính sáng tạo trong kinh doanh. Điều cần quan tâm hơn cả là giảm thiểu chi phí tuân thủ cho mọi thành phần kinh doanh, thống nhất quản lý thuế qua mã số thuế cá nhân và điện tử hóa hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và phù hợp với từng mô hình kinh doanh. Ông Lê Duy Bình – Chuyên gia kinh tế Economica Vietnam Việc chính thức hóa và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh sẽ đòi hỏi các sửa đổi khác của Luật DN cộng với một lộ trình hợp lý nhằm bắt buộc với một số đối tượng hộ kinh doanh cá thể, đồng thời giảm chi phí tuân thủ, nâng cao các lợi ích và khiến các hộ kinh doanh có thể thấy rõ ràng được lợi ích so với chi phí khi đăng ký theo Luật DN hơn là đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh. Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Chúng ta không nên đặt vấn đề để hộ kinh doanh chuyển lên thành DN, thay vào đó, nên ứng xử thế nào với hộ kinh doanh để giúp họ kinh doanh một cách chuyên nghiệp, kinh doanh một cách bình đẳng với các loại hình DN và tạo cho lĩnh vực này một cơ hội để phát triển mới là vấn đề quan trọng hiện nay. |
————————————————————
Thời báo Kinh doanh (Thời sự) 05-4-2019:
https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/quan-ho-kinh-doanh-sao-cho-danh-chinh-ngon-thuan-1055998.html
(427/1.860)