(ĐBND) – Có rất nhiều hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi lên doanh nghiệp không thể làm ăn được, đành phải quay lại mô hình kinh doanh cũ. Đây là thực tế mà luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự chia sẻ tại tọa đàm “Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 4.4.
Đe dọa sinh kế của hộ kinh doanh
Vừa qua, có ý kiến đề xuất đưa hộ kinh doanh cá thể thành một loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp, nhằm xác định địa vị pháp lý khu vực quan trọng, đang đóng góp 30,5% GDP và tạo công ăn việc làm cho khoảng 8,7 triệu lao động trên cả nước.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hộ kinh doanh cá thể “lên đời” doanh nghiệp? Ông Lê Duy Bình, chuyên gia của Công ty Economica Vietnam, cho rằng, 5 triệu hộ kinh doanh đang yên ổn làm ăn sẽ phải tiến hành đăng ký lại theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp. “Điều này có nghĩa các hộ kinh doanh sẽ phải mất hàng chục triệu ngày công lao động, với tổng lũy kế quãng đường phải đi lại hàng trăm triệu kilômét, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng chỉ cho việc đăng ký lại mà họ chưa thấy được một lợi ích rõ ràng, trong ngắn hạn từ việc đăng ký này”, ông Bình nói. Chưa kể, hộ kinh doanh sẽ phải gánh những khoản chi phí tuân thủ sau khi đăng ký kinh doanh, đây là một con số khổng lồ, thậm chí đe dọa tới sinh kế của hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu cá nhân kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ đang vật lộn mưu sinh qua một phương tiện khá thuận lợi là hộ kinh doanh của mình.
Cũng theo ông Lê Duy Bình, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không giúp cho hệ thống pháp luật về doanh nghiệp rõ ràng hơn, minh bạch hơn, thuận lợi hơn, mà ngược lại, sẽ làm cho nó càng trở nên khác biệt hơn với thông lệ quốc tế và khó hiểu hơn với người kinh doanh. “Chính thức hóa hộ kinh doanh không đồng nghĩa với chuyển họ thành doanh nghiệp” ông Bình nhấn mạnh. Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định. Ví dụ tại Australia, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 AUD sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh Australia (ABN), nhưng nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Cùng quan điểm với chuyên gia của Economica Vietnam, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng hộ kinh doanh cá thể thực chất là những cá nhân kinh doanh và nhiều hộ không muốn thành lập doanh nghiệp vì sợ bị để ý, kiểm tra thường xuyên, sợ bị nhũng nhiễu. Các hộ kinh doanh trước hết giải quyết việc làm cho chính những thành viên trong gia đình mình và những lao động giản đơn khác mà họ thuê mướn. Đóng góp cho xã hội của họ rất lớn nhưng khó đong đếm. Ngoài ra, do hầu hết hộ kinh doanh chọn nộp thuế khoán nên số thuế trực tiếp của họ có thể bị coi là thấp. Tuy nhiên trên thực tế họ còn phải đóng nhiều khoản thuế, phí khác trong vai trò là những người tiêu dùng điện, nước, xăng dầu, nguyên liệu hàng hóa khác, trực tiếp phải chịu các loại thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Những khoản này họ không được khấu trừ thuế hay chi phí như đối với doanh nghiệp.
Cần có lộ trình?
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự chia sẻ câu chuyện: Hộ kinh doanh A sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bán hàng qua Công ty xuất nhập khẩu B (chuyên nhận ủy thác mua bán hàng hóa). Công ty B này hợp tác với Tập đoàn bán lẻ C ở nước ngoài để bán hàng thủ công mỹ nghệ do hộ kinh doanh A sản xuất. Công ty B đã đề xuất hộ kinh doanh A thành lập doanh nghiệp để có thể trực tiếp ký hợp đồng hợp tác với tập đoàn bán lẻ C mà không phải thông qua công tay B. Sau đó, công ty A đã phải làm các thủ tục tuân thủ áp dụng cho doanh nghiệp như hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, y tế, các loại thuế, giấy phép…. Sau 2 năm vận hành, doanh nghiệp A liên tục bị thua lỗ do chi phí tuân thủ trong khi giá bán hàng hóa lại không được tăng do sức ép cạnh tranh toàn cầu. Cuối cùng doanh nghiệp này phải giải thể để trở lại mô hình kinh doanh cũ.
Trên thực tế, có rất nhiều hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi lên doanh nghiệp không thể làm ăn được đành phải quay lại mô hình kinh doanh cũ. Do đó, theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, chúng ta cần tôn trọng tính đa dạng của thị trường và thúc đẩy tính sáng tạo trong kinh doanh. “Điều cần phải làm bây giờ là giảm thiểu chi phí tuân thủ cho mọi thành phần kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và phù hợp với từng mô hình kinh doanh. Còn vấn đề thất thu thuế từ loại hình hộ kinh doanh nằm ở cơ quan quản lý nhà nước, như phương pháp xác định nguồn thu và cách tính thuế hoặc khả năng thi hành. Năng lực quản lý của cơ quan nhà nước còn hạn chế chứ không phải là vấn đề nằm ở hộ kinh doanh”, ông Quang nói.
Theo cách tiếp cận khác, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức nêu ý kiến, hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Chỉ cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp. Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ nên vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có quy định theo lộ trình tăng dần yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt một vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ. Đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành.
Tuệ Anh
——————————————————
Đại biểu nhân dân (Kinh tế) 05-4-2019:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=418662
(213/1.269)