(VTC News) – Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, trong đó có các quy định về hạn chế giải ngân trực tiếp với công ty tài chính đang gây tranh cãi.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc kiểm soát rủi ro của các công ty tài chính hoàn toàn có thể thực hiện bằng các biện pháp khác mà không cần đưa ra mệnh lệnh hành chính hạn chế giải ngân trực tiếp của khối công ty này.
Vô hiệu hóa công cụ chống “tín dụng đen”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng. Theo đó, sẽ siết chặt hơn hoạt động giải ngân trực tiếp của công ty tài chính. Thứ nhất, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt hoặc thông qua tài khoản của khách hàng) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty đó.
Thứ hai, các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt và không có nợ xấu.
Những quy định trên của dự thảo đang gây ra lo ngại sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng, trước hết là người đi vay. Theo thống kê của nhiều tổ chức quốc tế, chỉ có khoảng 30% người dân có thể vay vốn ngân hàng. Trong số các định chế tài chính trên thị trường, công ty tài chính được coi là một công cụ hữu hiệu nhất để chống “tín dụng đen” vì nhắm tới đối đối tượng phục vụ là các khách hàng “dưới chuẩn”.
Vì vậy, việc cấm các công ty này cho vay khách hàng mới và hạn chế cho vay tiền mặt sẽ làm vô hiệu hóa phần nào công cụ này trong cuộc chiến chống “tín dụng đen”. Đồng thời, chặn cửa vay vốn qua kênh chính thống của rất nhiều người tiêu dùng.
Theo bộ phận nghiên cứu công ty chứng khoán HSC, các công ty tài chính hiện này cũng có một tỷ lệ đáng kể khách hàng vay tiền mặt là người mới vay lần đầu. Nếu dự thảo trên có hiệu lực, những người này sẽ không được vay vốn ở các công ty tài chính. Nếu không đủ điều kiện vay vốn qua kênh chính thức, họ sẽ phải tìm đến “tín dụng đen”.
“Nếu các tổ chức tín dụng, công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy tệp khách hàng này vào trường hợp đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” nếu chúng ta có trần khống chế 30%”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Đồng tình với ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, các quy định trên sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hợp pháp, trong khi thị trường “tín dụng đen” lại chưa thể kiểm soát tốt và đang có xu hướng tăng mạnh với nhiều biến tướng khác nhau.
Nên giám sát bằng chuẩn quản trị rủi ro
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, mục tiêu của dự thảo sửa đổi Thông tư 43 rất tốt, cụ thể là nhằm quản lý hiệu quả hơn thị trường cho vay tiêu dùng, quản lý rủi ro của khối công ty tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra lại chưa ổn, mang nặng tính hành chính, có thể gây méo mó thị trường.
Mặc dù cho vay tiêu dùng phát triển khá mạnh những năm gần đây, song tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của khối công ty tài chính chỉ chiếm khoảng hơn 90.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng của cả hệ thống. Con số cho vay tiền mặt còn nhỏ hơn. Nói cách khác, thị phần cho vay tiêu dùng của khối công ty tài chính còn nhỏ bé, việc đưa ra các quy định hành chính để siết quá chặt là chưa cần thiết .
“Thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn mới phát triển nên việc đặt ra quy định quản lý, kiểm soát rủi ro, giúp lành mạnh hóa là cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, khi thị trường phát triển ở mức độ cao hơn, minh bạch hơn, số hóa thông tin tốt hơn… thì nên trao quyền quyết định lại cho thị trường”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng khuyến cáo.
Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc tăng cường kiểm soát công ty tài chính là rất cần thiết vì đây là lĩnh vực cho vay nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, thay vì các giải pháp hành chính, NHNN nên quản lý thông qua các quy chuẩn quản trị như: Tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn, trích lập dự phòng…
Thực tế, với các công ty có quản trị rủi ro tốt, cho vay tiền mặt 70 – 80% vẫn ổn, song với công ty quản trị kém, cho vay 10% cũng có thể là mối nguy. Con số này nên để các doanh nghiệp tự quyết định dựa trên khẩu vị rủi ro và mức độ quản trị rủi ro của công ty mình.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không nên đánh đồng quản lý ngân hàng và các công ty tài chính như nhau, vì đối tượng phục vụ của hai bên là rất khác nhau. Về lâu dài, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, chống lại “tín dụng đen”, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. “Rất cần ban hành một đạo luật riêng – hoặc ít nhất cũng phải ban hành một Pháp lệnh – để quản lý lĩnh vực này”, ông Kiên nói.
Trong bối cảnh “tín dụng đen” đang gia tăng và ngày càng biến tướng khó lường, việc phát triển tài chính toàn diện, trong đó khuyến khích sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng mới nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo trên có thể bóp nghẹt các công ty non trẻ vừa hình thành.
Chính vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cơ quan soạn thảo Thông tư nên nghiên cứu lại để đặt ra các giới hạn phù hợp với thực tế, cần tập trung theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động thông qua yêu cầu về năng lực quản trị, điều hành và kiểm soát rủi ro, thu hồi nợ thay vì đưa ra các mệnh lệnh hành chính siết cho vay tiền mặt.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Nếu cơ quan quản lý đưa ra một tỷ lệ khống chế phù hợp (có lộ trình) thì chắc chắn không những thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh mà còn không hề tác động tới việc gia tăng “tín dụng đen”.
Để dự thảo thực sự đi vào cuộc sống cũng như tạo ra môi trường công bằng, cạnh tranh lành mạnh; việc hướng dẫn triển khai chi tiết, tháo gỡ vướng mắc kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng và trúng là rất cần thiết. Có như vậy, Thông tư mới đạt được mục tiêu đề ra; đồng thời, góp phần tạo điều kiện cho thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, qua đó giảm bớt tệ nạn tín dụng đen”.
QUỲNH CHI
————————————————————————-
VTCNews (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 11-4-2019:
https://vtc.vn/siet-giai-ngan-truc-tiep-hay-giam-sat-bang-chuan-quan-tri-rui-ro-d468706.html
(147/1.445)