(ĐTM) – Khách hàng “ngậm đắng, nuốt cay” vì Vietinbank hững hờ
Sau hơn 1 tháng kêu cứu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm của nhân viên ngân hàng Vietinbank và nhà băng này, bà Trần Thị Yến (kế toán cửa hàng Ngọc Dung, Thanh Hóa) vẫn chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ của cơ quan có thẩm quyền việc xung quanh vụ tài khoản “bốc hơi” 100 triệu đồng.
Tại cuộc làm việc giữa bà Yến, ngân hàng Vietinbank, cơ quan điều tra cách đây không lâu, các bên đã làm rõ nguyên nhân vụ việc, trong đó không loại trừ trách nhiệm của nhân viên ngân hàng Vietinbank khi hướng dẫn khách hàng thực hiện thao tác giao dịch nhận tiền trực tuyến khiến tài khoản khách hàng “bốc hơi” 100 triệu đồng.
Phía Công an thành phố Thanh Hóa hôm 15/4 cho biết, vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Trong khi đó đại diện ngân hàng Vietinbank chi nhánh Thanh Hóa và bộ phận phụ trách truyền thông của ngân hàng này đều từ chối trả lời phóng viên khi được hỏi về việc chia sẻ rủi ro đối với khách hàng trong vụ việc nói trên.
Chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng. (Ảnh: An Nguyên).
Bức xúc trước kiểu hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay” đối với khách hàng, bà Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng Ngọc Dung cho biết, sẽ khởi kiện nhà băng này vì hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ ngân hàng Vietinbank khiến tài khoản của cửa hàng bị mất 100 triệu đồng.
“Ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm trước việc tài khoản của cửa hàng chúng tôi mất 100 triệu đồng. Nếu cán bộ ngân hàng này không hướng dẫn cũng như cùng khách hàng thưc hiện thao tác nhận tiền cho link chuyển tiền trực tuyến thì tài khoản của chúng tôi có mất 100 triệu đồng không?
Như vậy, ngân hàng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách hàng khi cán bộ ngân hàng này đã hướng dẫn, tham gia xác nhận mã OTP trước đó trên đường link lừa đảo khiến tài khoản của cửa hàng “bốc hơi” 100 triệu đồng.
Số tiền 100 triệu đồng không phải là số tiền nhiều và chúng tôi chấp nhận mất khoản thiền này nếu lỗi do nhân viên cửa hàng chúng tôi gây ra. Nhưng rõ ràng trong vụ việc này chúng tôi bị oan uổng bởi lỗi để mất tiền trong tài khoản không phải do nhân viên cửa hàng gây ra mà có trách nhiệm trực tiếp từ nhân viên ngân hàng.
Chúng tôi đã chờ đợi vụ việc quá lâu và sẽ khởi kiện ngân hàng này để đòi lại quyền lợi của mình trong thời gian tới. Sau vụ việc này chúng tôi sẽ không thực hiện bất cứ một giao dịch nào liên quan tới ngân hàng này nữa ”, bà Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng Ngọc Dung cho hay.
Nhiều khách hàng “run” tay vì Vietinnbank
Thực tế, dù các ngân hàng thương mại đã liên tục đưa ra cảnh báo về việc lừa đảo chuyển tiền khi giao dịch trực tuyến nhưng vẫn có chủ thẻ bị mất tiền oan do nhiều nguyên nhân kể cả chủ quan, khách quan. Trong những trường hợp cụ thể, thay vì chia sẻ rủi ro với khách, một số ngân hàng lại tỏ thái độ thờ ơ trước thiệt hại của khách hàng, trong khi họ (ngân hàng) cũng có phần lỗi
Trước sự việc nêu trên, một số khách hàng thường xuyên giao dịch qua hệ thống ngân hàng Vietinbank không khỏi lo lắng vì những rủi ro trong giao dịch trực tuyến có thể ập đến bất cứ lúc nào.
“Về nguyên tắc, cái gì không biết thì khách hàng phải nhờ nhân viên hướng dẫn và đó cũng là trách nhiệm của ngân hàng khi khách đến thực hiện giao dịch. Nếu như tôi rơi vào trường hợp trên thì cũng sẽ thực hiện theo các thao tác, hướng dẫn của nhân viên ngân hàng. Như vậy, khi đặt trọn niềm tin vào cán bộ ngân hàng trong việc thực hiện các giao dịch trực tuyến nếu nhân viên ngân hàng không đủ nghiệp vụ thì rủi ro là không thể tránh khỏi.
Tôi cho rằng, việc này có lỗi của nhân viên ngân hàng và nhà băng này cũng không thể thoái thác trách nhiệm của mình”, anh T.D – một khách hàng thường xuyên sử dụng các giao dịch qua ngân hàng Vietinbank nhận định.
Vị khách hàng này cũng cho hay, sẽ theo dõi các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc để có những ứng xử phù hợp khi sử dụng các giao dịch tại ngân hàng này.
Một khách hàng khác thì cho rằng, Vietinbank nên ứng xử đàng hoàng đối với khách hàng bị thiệt hại (nếu có) trong vụ việc này để lấy lại niềm tin của mọi người.
“Chính nhân viên giao dịch ngân hàng cũng không biết đó là link chuyển tiền thật hay link ảo thì chắc chắn khách hàng sẽ mắc lừa khi thực hiện giao dịch trực tuyến theo sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng. Nếu như Vietinbank không xem lại cách quản lý nhân viên cũng như đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì không chỉ có trường hợp nêu trên mà rất có thể sẽ còn rất nhiều trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự”, khách hàng V.T. (thành phố Thanh Hóa) cho hay.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, trong trường hợp này, cả ngân hàng và cả khách hàng có thể đã bị lừa. Nếu ngân hàng tử tế thì cần phải nhận trách nhiệm, chứ không thể nói đó là việc làm của cá nhân hay cá nhân phải chịu trách nhiệm.
“Cá nhân trong vụ việc này có thể họ vô tư, hoặc do nhận thức, do trình độ còn hạn chế khi tư vấn cho khách, cho nên mới để xảy ra rủi ro như đã nêu. Cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.
Nếu bản thân ngân hàng phát hiện vụ việc nhưng không có động thái kịp thời xử lý vụ việc để tránh thất thoát cho khách hàng thì trách nhiệm của Vietinbank càng tăng thêm. Hay nói cách khác, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng cần nhanh chóng kết hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện phong tỏa tài khoản chuyển đến càng sớm càng tốt. Nếu ngân hàng không làm gì thì rõ ràng họ có dấu hiệu không làm hết trách nhiệm của mình để hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Lỗi trong vụ việc này không hoàn toàn thuộc về ngân hàng nhưng trong trường hợp này Vietinbank nên có chính sách hỗ trợ, trấn an, chia sẻ rủi do với khách hàng chứ không thể thoái thác trách nhiệm hoặc đổ lỗi hết cho khách hàng được”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng thao tác, thực hiện nhập các thông tin vào đường link chuyển tiền không rõ nguồn gốc thì trách nhiệm thuộc về cán bộ ngân hàng đó.
“Thực tế, trong giao dịch chuyển tiền, cán bộ ngân hàng không được hướng dẫn khách hàng sử dụng bất cứ một đường link nào nếu không rõ nguồn gốc, trừ đường link chuyển tiền của ngân hàng. Do đó, trường hợp một giao dịch viên hướng dẫn khách hàng sử dụng đường link khác liên quan tới tài khoản khách hàng, từ đó gây ra thiệt hại cho khách hàng của mình thì cán bộ ngân hàng đó đã làm sai bởi họ không được phép làm như vậy.
Việc làm này có thể do cá nhân cán bộ đó thiếu hiểu biết, nên vô tình hỗ trợ khách hàng của mình tham gia vào việc thực hiện các thao tác trên link chuyển tiền trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo.
Nếu cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng thực hiện các thao tác theo chuyên môn nghiệp vụ tại các phòng giao dịch dẫn đến những thất thoát trong tài khoản khách hàng thì đó là việc làm sai”, vị chuyên gia cho biết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc trên./.
An Nguyên
————————————————
Đô thị mới (Tiêu dùng) 16-4-2019:
(274/1.512)