(TBCK) – Nếu cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp với khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Đối với các công ty tài chính có số lượng khách hàng còn ít, dư nợ còn rất nhỏ, thì sự khống chế này gần như đồng nghĩa với việc không được giải ngân trực tiếp cho khách hàng và rất khó tăng trưởng.
Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, sức hút của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đối với các nhà đầu tư ngoại là rất lớn. Tháng 1/2019, Shinhan Card đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại Công ty tài chính Prudential ở Việt Nam, với số tiền khoảng 3.400 tỷ đồng.
Theo số liệu mới công bố, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới chiếm khoảng 12% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, chỉ số này ở Trung Quốc là 21%, ASEAN là 34%. Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Trước đó, năm 2018, Công ty Lotte Card Co., Ltd đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tài chính của Techcombank, với giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng. Trước nữa, vào tháng 9/2017, Shinsei Bank (Nhật Bản) đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ Ngân hàng Quân đội (MB).
Các công ty tài chính sẽ ra sao nếu siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng?. Ảnh minh họa |
Một số nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi khác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đang bày tỏ nguyện vọng được tham gia lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng trong GDP cao thứ hai trong khối ASEAN 5. Người Việt Nam chi tiền chủ yếu cho các hàng hóa tiêu dùng như ôtô, đồ gia dụng, điện thoại thông minh, cũng như các hoạt động giải trí như du lịch.
Với thị phần chưa tới 10%, các công ty tài chính tiêu dùng đang tính phí cho vay dao động 20 – 50% các khoản vay, trong khi các ngân hàng thương mại thường chỉ tính 10 – 20%. FE Credit và Home Credit là những cái tên dẫn đầu trên thị trường tín dụng tiêu dùng hiện nay khi đều sở hữu hơn 7 triệu khách hàng.
Việc nhiều công ty đa quốc gia lớn bước vào thị trường cho vay tiêu dùng sẽ kéo giảm chi phí vốn. Huy động vốn từ các tổ chức tài chính là việc quan trọng đối với các công ty tài chính tiêu dùng vì họ không thể tiếp cận với tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng bán lẻ.
Hạn chế của việc siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng
Một nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN là quy định siết chặt việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Việc này sẽ có tác động mạnh đến công ty tài chính và hạn chế quyền lựa chọn của khách hàng.
Dự thảo này đã có những điểm khá tích cực nhằm lành mạnh hóa thị trường cho vay tiêu dùng, như quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng; quy định chặt chẽ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ nhằm hạn chế một số hành động đòi nợ bất hợp lý; quy định về bộ phận chuyên trách xử lý và tiếp nhận thông tin khách hàng,…
Vì thế, việc thắt chặt giải ngân trực tiếp cho khách hàng cũng sẽ hạn chế quyền lựa chọn tiêu dùng của nhiều khách hàng (chỉ được tiêu dùng ở những nơi bảo đảm đủ điều kiện quy định để giải ngân), đồng nghĩa với việc cản trở sự tiếp cận vốn vay của khách hàng từ các công ty tài chính. Từ đó, khách hàng sẽ quay lưng lại với tài chính tiêu dùng và tìm đến những nơi cho vay không chính thống. Điều này vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho tín dụng đen phát triển.
Một số điểm siết chặt khác của Thông tư 43 có thể kể đến như quy định việc công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại chính công ty tài chính đó. Quy định này là bất công với các công ty tài chính mới thành lập hoặc mới được sáp nhập, mua lại, chưa có nền tảng khách hàng cũ. Quy định này đồng nghĩa với hạn chế họ phát triển khách hàng mới và như vậy sẽ không thể tồn tại, chứ không nói đến chuyện cạnh tranh và phát triển trên thị trường.
Hay là quy định tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Đối với các công ty tài chính có số lượng khách hàng còn ít, dư nợ còn rất nhỏ, thì sự khống chế này gần như đồng nghĩa với việc không được giải ngân trực tiếp cho khách hàng và rất khó tăng trưởng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cơ quan chức năng nên xem xét và tham khảo kinh nghiệm trên thế giới về quản lý hoạt động cho vay tiền mặt thông qua yêu cầu về quản lý rủi ro, minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay vì đưa ra điều kiện giải ngân cụ thể bằng tiền mặt. Đặc biệt, cần lưu ý việc tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, trong đó có chủ trương tái cơ cấu, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty tài chính.
Hoài Dương
————————————————————————
Thời báo Chứng khoán (Tài chính – NH) 17-4-2019:
http://tbck.vn/cac-cong-ty-tai-chinh-se-ra-sao-neu-siet-chat-hoat-dong-cho-vay-tieu-dung-34205.html
(120/1.060)