(ANTD) – Nhiều lái xe đang tham gia Grab lo ngại, nếu quy định “gắn mào” của Bộ GTVT được thông qua thì sẽ thêm một gánh nặng chi phí đổ lên đầu lái xe và người tiêu dùng.
Tăng chi phí đổ đầu người tiêu dùng
Lái xe Nguyễn Văn Sơn cho biết, trước đây, anh chạy taxi cho một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian anh bỏ và tham gia chạy cho Grab, đến nay cũng đã được gần 2 năm.
Khi được đề cập đến vấn đề có thể tới đây, xe Grab sẽ phải gắn mào như taxi truyền thống hiện nay để dễ bề quản lý, anh Sơn khá bất ngờ. “Sao lại phải gắn mào. Tôi thấy quản lý như hiện nay là rất văn minh và phù hợp, mọi thông tin đều được thể hiện rõ ràng trên ứng dụng. Bản thân xe Grab của chúng tôi cũng phải gắn phù hiệu Xe hợp đồng để lực lượng chức năng kiểm tra. Việc gắn mào như taxi truyền thống để làm gì, chúng tôi không bắt khách dọc đường?”- lái xe Sơn bày tỏ.
Sao cứ bắt ép “xe công nghệ” phải đeo “mào”?
Ở một khía cạnh khác, lái xe Trần Anh Tuấn cho biết, anh tham gia chạy Grab gần 9 tháng nay và thấy công việc khá thoải mái. “Tôi chạy Grab chỉ là làm thêm những lúc rảnh rỗi chứ không chạy thường xuyên. Nếu cơ quan chức năng bắt xe tôi phải gắn mào như taxi truyền thống thì tôi sẽ bỏ, không chạy Grab nữa. Cơ quan quản lý làm chính sách kiểu “đút chân gầm bàn” thì làm sao sát thực tế được, trong khi cứ ra rả đơn giản thủ tục hành chính thì lại cứ đẻ ra hàng loạt “Giấy phép con”- lái xe Tuấn cho hay.
Còn lái xe Nguyễn Phương Hiền đã tham gia chạy “xe công nghệ” Grab được gần 2 năm cũng cho biết, trước đây anh làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng từ khi lập gia đình thì bỏ việc, vì không có thời gian chăm sóc con cái. Do vậy, anh tham gia chạy xe công nghệ.
Tuy vậy, đề cập đến quy định bắt xe công nghệ phải đeo “mào” của Bộ GTVT đang xây dựng, anh Hiền cho biết, những quy định như đeo “mào”, trang bị đồng hồ… sẽ phát sinh rất nhiều chi phí cho lái xe. Và, tất nhiên, cước phí di chuyển sẽ tăng, người tiêu dùng sẽ giảm việc đi lại bằng xe công nghệ, thay vào đó là sử dụng phương tiện cá nhân. Mà những quy định này thực sự không cần thiết trong bối cảnh công nghệ hiện nay.
“Trong khi cả xã hội hướng tới công nghệ, giảm bớt sức lao động của con người thì cơ quan quản lý lại cứ thích thủ công máy móc. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, hình ảnh xe công nghệ đã giúp người tiêu dùng có cái nhìn thiện cảm hơn về một loại hình di chuyển mới. Vậy thì tại sao lại dẹp bỏ đi, đây là một bước lùi chứ không phải bước tiến”- lái xe Hiền chia sẻ.
Trong bối cảnh cả nước đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng riêng với lĩnh vực vận tải, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 với một số quy định đang được xem là cấm cản, đi thụt lùi.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá, nếu được thông qua thì Dự thảo Nghị định 86 mà Bộ GTVT đang chắp bút sẽ là một bước thụt lùi của chính sách. Quy định “gắn mào” cho “xe công nghệ” phần nào cho thấy tư duy xây dựng chính sách của Bộ GTVT vẫn còn khá bảo thủ, nhất định “nhốt” cái mới và cái truyền thống vào chung một “giỏ” cho dễ bề quản lý, đồng thời tránh sự phản ứng từ taxi truyền thống.
Càng sửa đổi, càng thêm nhiều rào cản
Trong khi người dùng và tài xế tỏ ra quan ngại trước việc xe coing nghệ bị ép phải “đeo mào” thì Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải của Bộ GTVT xây dựng tiếp tục bảo lưu quan điểm, “gắn mào” cho “xe công nghệ” để dễ nhận diện.
Tại Dự thảo Nghị định mới nhất vừa được Bộ GTVT hoàn thiện, trình Chính phủ về các điều kiện kinh doanh vận tải thì loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ tương tự Grab được đề xuất là taxi điện tử có gắn hộp đèn trên nóc xe, lần này Bộ đề xuất quy định rõ hơn hai mô hình cho xe hợp đồng điện tử và taxi điện tử. Theo đó, xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử (như Grab hiện nay) được yêu cầu phải có bảng điện tử với chữ “xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc, kích thước tối thiểu là 15 x 20 cm và bật sáng khi xe tham gia giao thông.
Thời gian qua, Bộ GTVT nhận được ý kiến về xe hợp đồng điện tử theo hai nhóm. Thứ nhất, các hiệp hội taxi yêu cầu quy định chặt chẽ hoạt động của Grab, chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” vì không có trong Luật Giao thông đường bộ.
Nhóm ý kiến thứ hai là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và một số chuyên gia kinh tế, đề nghị xe dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm khi chở khách sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định về taxi điện tử.
Liên quan đến đề xuất “gắn mào” cho “xe công nghệ” của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia cho rằng, việc này là không phù hợp, đi ngược lại xu thế công nghệ hiện nay. Góp ý này cũng đã được nhiều tổ chức như VCCI, CIEM… gửi đến Bộ GTVT, song Bộ GTVT vẫn bảo lưu quan điểm “gắn mào”. Tại nhiều cuộc hội thảo cũng như tọa đàm, diễn đàn xung quanh hình thức kinh tế chia sẻ mới, với những ứng dụng nền tảng xuất hiện ở Việt Nam như Grab, Go-Viet, FastGo… nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cứ khăng khăng gắn mào cho “xe công nghệ” thì chứng tỏ, chúng ta không thừa nhận một loại hình kinh doanh mới, tiến bộ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định: “Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Có thể mình quản lỏng hơn nhưng không thể đẩy về cái cũ. Như vậy coi như Bộ GTVT xóa sổ luôn Uber, Grab, đẩy hết thành taxi. Điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 của Chính phủ”.
Hà Thủy
———————————————-
An ninh Thủ đô (Xe+) 18-4-2019:
(71/1.224)