(MTG) – Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) điện thoại di động là vật bất ly thân, là sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp người dân hiện nay, thậm chí cần khuyến khích dùng. Do đó, việc đánh thuế đại trà lên mặt hàng này là không hợp lý, sẽ không ai chấp nhận.
Trong một văn bản góp ý cho Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn thuế gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
UBND TP.HCM cho rằng, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc nhóm khá cao cấp, qua đó giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
UBND TP.HCM đề xuất đánh thuế TTĐB với điện thoại di động, mỹ phẩm, kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ… – Ảnh minh họa
Còn với điện thoại di động, tuy đây là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào điện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được xem xét đối với từng mặt hàng và cơ sở nào để đánh thuế. Cơ sở đánh thuế phải thuyết phục để người dân chấp nhận và nhà làm luật cảm thấy hợp lý. Việc đánh thuế nên được thực hiện đối với những sản phẩm không khuyến khích, hạn chế tiêu dùng; hoặc ảnh hưởng đến nền nếp, phong tục xã hội, sức khỏe người dân…
“Ví dụ như đề xuất đánh thuế với bia, rượu… thì tôi thấy rất hợp lý, vì sản phẩm này dùng nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội, trong khi đó giá cả mặt hàng này hiện nay đang rất rẻ; hoặc đề xuất đánh thuế với hàng mã chẳng hạn, tôi tin nhiều người sẽ ủng hộ ngay”, ông Thịnh nói.
Còn với mỹ phẩm, trước đây từng là mặt hàng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao vì thời kỳ trước nền kinh tế nước ta nhiều khó khăn, rồi nhiều vấn đề khác nên việc sử dụng mỹ phẩm được coi là lãng phí và không đem lại lợi ích. Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã khác nhiều, việc sử dụng son phấn, mỹ phẩm, nước hoa không còn là hàng hiếm hoi, đã được người dân sử dụng rộng rãi.
“Theo tôi, nếu đánh thuế thì chỉ nên đánh thuế ở những dòng sản phẩm thực sự cao cấp, giá cả đắt đỏ mà chỉ những người thu nhập cao mới dám sử dụng, và mức thuế cũng cần hợp lý”, ông Thịnh nói và cho rằng đây cũng là một cách để điều tiết mức thu nhập.
Tương tự đối với mặt hàng điện thoại di động, chuyên gia này cho rằng đây là vật bất ly thân, được sử dụng rộng rãi, là sản phẩm đáp ứng nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp người dân hiện nay, thậm chí cần khuyến khích dùng. Do đó, việc đánh thuế đại trà lên mặt hàng này là không hợp lý, sẽ không ai chấp nhận.
Tuy nhiên, ông cho rằng đối với những chiếc điện thoại hàng xa xỉ, có giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng mỗi chiếc thì cũng có thể đánh thuế với riêng với những sản phẩm đắt đỏ này, chứ không phải đánh thuế toàn bộ.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đây là một đề xuất bất hợp lý, nếu không muốn nói là… bậy bạ. “Tôi không thấy có căn cứ nào hợp lý và thành phố thiếu hẳn triết lý để đánh thuế đối với các mặt hàng này”.
Theo ông Đức, sinh ra thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế giá trị gia tăng.
“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào”, ông Đức nói.
Về lý do điều tiết thu nhập, ông Đức cho rằng đây là việc của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Người nghèo không phải nộp thuế, người khá thì nộp 10-20%, còn người giàu thì có thể phải nộp thuế lên đến 35% thu nhập.
“Cứ đánh thuế như thế thì khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp với khẩu hiệu “tất cả cho sản xuất”, chắt bóp tích lũy, vì cái gì cũng thiếu, nên cấm ăn chơi, phải thắt lưng buộc bụng hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng”, ông Đức nói.
Lam Thanh
—————-
Một thế giới (Tài chính – Đầu tư) 07-5-2019:
(275/993)