2.256. Vốn FDI tăng, chuyển giá cũng tăng

(NCĐDT) – Phần lớn các doanh nghiệp FDI hoạt động trong nhiều ngành nghề đều báo lỗ. Nhưng các dữ liệu phân tích cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI hoạt động trong nhiều ngành nghề từ chế biến chế tạo cho đến may may mặc, giải khát đều báo lỗ; có những doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm liên tiếp. Nhưng các dữ liệu phân tích cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Chuyển giá và nỗi buồn kép

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, từ năm 2012-2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011-2016 đạt mức trung bình xấp xỉ 23%, tốc độ tăng trưởng tài sản trên 19%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư đạt ở mức cao nhất là 33% giai đoạn 2011-2012 và giảm mạnh trong những năm kế tiếp. Tính riêng năm 2016, doanh thu của khối FDI  tăng 21,7% so với năm 2015, cao hơn mức độ tăng tài sản là 18,6% và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu là 15,5%. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm này rất thuận lợi.

Tuy nhiên, số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 2012-2016 cũng cho thấy rõ số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ hằng năm là từ 44-51%. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, âm vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh. Đáng lưu ý, tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và lỗ lũy kế. Những con số nói trên dẫn đến một sự thật, tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI đang tồn tại và khá phức tạp.

Khi những trăn trở về ưu đãi quá mức cho khối đầu tư nước ngoài, chèn ép không gian sinh tồn của chính doanh nghiệp nội địa… chưa có lời giải, dư luận lại phải đối diện với tình thế trái ngang hơn. Nhìn vào những trường hợp nghi vấn chuyển giá được báo chí và công luận yêu cầu làm sáng tỏ của các tập đoàn đa quốc như Pepsi, Coca-Cola, Keangnam, Metro, Adidas… hay những doanh nghiệp nhỏ hơn trong lĩnh vực công nghệ điện tử và sản xuất hàng tiêu dùng như Sumitomo Bakelite, Meiko,  Toshiba Asia…, có thể gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Thế nhưng, bức tranh thật có thể còn ảm đạm hơn thế.

Đầu tiên, xét về ngành nghề. Theo ước tính, doanh nghiệp ngoại đang nắm giữ khoảng 50% thị trường bán lẻ hiện đại, giữ quyền lực lớn trong khâu phân phối chiếm nhiều giá trị gia tăng nhất trong quá trình sản xuất. Vậy mà, thông tin của Cục Thuế TP.HCM lại cho thấy, các doanh nghiệp FDI kinh doanh siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp luôn báo lỗ. Người dân không khỏi chạnh lòng khi cuộc xâm chiếm hệ thống bán lẻ của các đại gia nước ngoài được trả bằng một cái giá thấp đến bất ngờ, còn mối nguy cho nền sản xuất Việt đành hạ hồi phân giải.

Tình trạng tương tự đang xảy ra ở nhóm doanh nghiệp FDI ngành chế biến chế tạo, may mặc, giải khát… Thậm chí, tại TP.HCM, có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc báo lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt đồng cùng ngành lại có lãi. Nghịch lý là sau hàng loạt thanh tra của cơ quan thuế các địa phương, các công ty FDI từng báo lỗ triền miên đều “tự nhiên” có lãi những năm sau đó. Một thống kê của cơ quan thuế trong khoảng thời gian 5-6 năm gần đây được chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, đưa ra là đã có khoảng 1,5 tỉ USD giảm lỗ sau thanh tra và truy thu thuế được 10.000 tỉ đồng.

Hành động kế tiếp

Đi tìm lời giải cho thách thức này, tồn tại một trở lực do chính chúng ta tạo nên. Kỳ tích tăng trưởng GDP 6,81% của Việt Nam năm 2017 và thành tích được duy trì tới hiện tại, hứa hẹn mức tăng trưởng có thể cao hơn con số đó được xây dựng trên nền tảng doanh nghiệp FDI.

Sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, dẫn đến việc giảm bớt lợi ích của khối doanh nghiệp này khi đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ bị phản ứng, có thể còn rất gay gắt. Khi nội lực của nền kinh tế chưa vững vàng, đương nhiên chúng ta cần rất thận trọng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc khoanh tay đứng nhìn, để nguồn lực của quốc gia thất thoát một cách vô nghĩa. Chúng ta đã từng thuyết phục được Keangnam Vina loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý, bao gồm việc giảm lãi suất vay 12% xuống mức phù hợp, tính toán lại phí tư vấn tài chính với Keangnam Enterprise tại Hàn Quốc… Hay Metro Việt Nam đã phải điều chỉnh lại những khoản chi phí quá lớn và bất hợp lý được hạch toán vào chi phí, trong đó đáng kể nhất là chi phí nhượng quyền thương mại.

Với việc áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý Thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư 41/2017/TT-BTC, hành lang pháp lý liên quan tới vấn đề chuyển giá của Việt Nam đã được hoàn thiện thêm. Theo đó, doanh nghiệp báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo nhóm giao dịch liên kết và giao dịch độc lập, kê khai các thông tin để cơ quan quản lý thuế phát hiện được bất kỳ sự chênh lệch nào đáng kể giữa mức lợi nhuận thu được trong các giao dịch đó.

Ngoài ra, nhược điểm về định giá hàng hóa cũng được xử lý bằng việc đưa ra phương pháp xác định đối tượng so sánh độc lập, thực hiện mở rộng phạm phân tích về ngành, thị trường địa lý, thời gian so sánh để tìm đối tượng có tính tương đồng cao nhất…

Trao đổi với NCĐT, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa. Thứ nhất, theo vị chuyên gia, Nghị định, Thông tư chỉ là văn bản dưới Luật, do đó, phải quy định ở Luật mới đủ tính pháp lý.

Thứ hai, phải thừa nhận rằng quá trình thực thi đang có vấn đề, không làm dứt điểm, kiên quyết, đến nơi đến chốn. Điều này cần phải được sửa đổi, trong đó, không loại trừ cả vấn đề tiêu cực, tham nhũng. Cuối cùng, việc xử phạt phải nặng và nghiêm, để đối tượng không dám tái phạm. Ví dụ, tại Singapore, dù không quy định mức phạt cụ thể dành riêng cho hành vi chuyển giá, mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100-400% khoản thuế phải trả. Án phạt sẽ được áp dụng nếu đơn vị đóng thuế không có hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan tới việc điều tra chuyển giá.

Rõ ràng, bài toán win – win trong thu hút đầu tư nước ngoài không bao giờ là một dấu bằng chằn chặn mà nếu không kiểm soát chuyển giá, miếng bánh Việt Nam nhận được từ thu hút FDI sẽ càng nhỏ bé.

Hoàng Hạnh

——————

Nhịp cầu đầu tư (Thương trường) 06-8-2018:

https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/von-fdi-tang-chuyen-gia-cung-tang-3325232/

 (114/1.353)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,117