(VNE) – Các chuyên gia cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm vào hàng xa xỉ, trong khi điện thoại di động là hàng tiêu dùng mọi người đều sử dụng.
Góp ý cho Bộ Tài chính về dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”, UBND TP HCM cho rằng nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như điện thoại di động, mỹ phẩm, nước hoa…
Đề xuất này, theo một số chuyên gia, là bất hợp lý. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, đề xuất của UBND TP HCM cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Lý do là hiện các nước cả phát triển lẫn đang phát triển hay trong khu vực Đông Nam Á đều chưa có thông lệ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động.
Cũng thừa nhận hầu hết quốc gia không áp thuế với mặt hàng này nhưng ông Trương Bá Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách thông tin thêm, Nam Phi là quốc gia có thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động song vấp phải rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Còn với mỹ phẩm, ông Tuấn cho hay, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tìm thấy ở một số quốc gia nhưng cũng không nhiều, chủ yếu là ở một số nước đang phát triển, như Trung Quốc (nhưng cũng chỉ giới hạn ở mỹ phẩm cao cấp) hay ở Thái Lan, Indonesia. Các nước phát triển hầu như không thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mỹ phẩm.
Một dòng điện thoại phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: PhoneArena |
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Bình, bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Với những mục đích đó, khi đưa ra đề xuất đánh thuế, cần chỉ rõ những tác động xấu như rượu, bia, thuốc lá.. Chưa kể, việc đánh thuế một mặt hàng mới, trong đó có điện thoại di động thì phải xem xét.
“Khi đó, chúng ta phải đặt và trả lời cho các câu hỏi, điện thoại di động là hàng thiết yếu hay xa xỉ, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe không”, ông nói và bày tỏ quan điểm cho rằng đây là hàng tiêu dùng bình thường nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong đề xuất, UBND TP HCM thừa nhận điện thoại di động không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp nhưng cũng không thuộc diện “rất thiết yếu”. Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo địa phương này, nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.
Ngoài mục đích đó, theo UBND TP HCM, việc áp thêm loại thuế này còn nhằm điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Tuy nhiên, về đề xuất này, ông Bình cho rằng, nếu với mục tiêu điều tiết thu nhập thì phải dùng thuế thu nhập cá nhân. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt được lập ra để hạn chế tiêu dùng một mặt hàng nào đó gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống hay sự phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý Thuế TP HCM, cũng cho rằng, hiện nay, điện thoại di động gần như rất phổ biến, mọi người đều sử dụng. Bởi vậy, ông cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này không có tác dụng điều tiết thu nhập, mà sẽ khiến thu nhập của toàn bộ người dân đều bị ảnh hưởng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ, độc hại hoặc là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích sử dụng, tiêu dùng. Hơn nữa, theo ông, trong nền kinh tế ngày càng phát triển, cần loại bớt nhiều loại hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ, một số mặt hàng ở thời điểm này là xa xỉ nhưng thời gian sau lại trở thành vật dụng thiết yếu.
“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Đến nay nó đã trở thành một vật dụng thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì không hợp lý”, ông Đức nói.
Nguyễn Hà
—————
VNExpress (Kinh doanh) 08-5-2019:
(157/869)