(VN+) – Một số ý kiến cho rằng, đề xuất đổi tên từ “trạm thu phí” sang “trạm thu tiền” có thể Bộ Giao thông Vận tải muốn tránh dùng từ phí vì nó phải tuân thủ các quy định khác của Luật phí và lệ phí.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tên gọi mới trạm thu phí thành trạm thu tiền. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Việc đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” của Bộ Giao thông Vận tải đang bị người dân tranh luận và phản ứng khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng việc này diễn ra nhiều lần, luẩn quẩn, chỉ là đánh tráo khái niệm trong khi việc Bộ cần làm ngay là quản lý, giám sát các trạm thu phí công khai, minh bạch, giảm thất thoát phí.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, không cần phải thay bằng “trạm thu tiền” thì về bản chất người dân, doanh nghiệp đi qua trạm vẫn phải đóng đủ số tiền do cơ quan Nhà nước ban hành, quy định.
Do đó, ông cho rằng, việc quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải là quản lý chặt, làm thế nào để các trạm thu phí thu đúng, thu đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân chứ không phải nay muốn đổi tên này, mai lại muốn đổi tên khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng gay gắt khi đổi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” và đến nay lại đổi thành “trạm thu tiền.”
Đặt câu hỏi đến việc danh mục phí giao thông không có trong Luật Phí, lệ phí năm 2015, ông Đức bày tỏ sự nghi ngờ và e ngại, các loại phí dịch vụ, phí môi giới, học phí, viện phí, phí dịch vụ ngân hàng,… trong hàng chục đạo luật vẫn duy trì bình thường cho đến nay, vậy tại sao Bộ Giao thông Vận tải cứ kiên quyết muốn đổi tên trạm thu phí?
Theo một chuyên gia giao thông, đề xuất đổi tên từ “trạm thu phí” sang “trạm thu tiền” có thể Bộ Giao thông Vận tải muốn tránh dùng từ phí vì nó phải tuân thủ các quy định khác của Luật phí và lệ phí.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, phí vẫn là thuật ngữ chính xác nhất bởi phương tiện sử dụng đường BOT là đang sử dụng dịch vụ và trả phí cho dịch vụ đó. Còn giá là mức lệ phí phải thu, chứ không phải thu giá, khái niệm đã có sự khác nhau.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo Dự thảo, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Vào cuối tháng 5/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề xuất đổi tên “trạm thu giá đường bộ.” Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Sau khi bị nhiều ý kiến phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa và không cần thiết, Bộ Giao thông Vận tải lại đổi lại thành “trạm thu phí.”
Tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 4/6/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên tên gọi “trạm thu phí” như trước đây. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bỏ tên gọi “trạm thu giá”./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)
——————-
Vietnam+ (Giao thông) 08-5-2019:
https://www.vietnamplus.vn/tai-sao-bo-gtvt-lai-doi-ten-tram-thu-phi-thanh-tram-thu-tien/568107.vnp
(123/792)