(ANTĐ) – Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 về hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ với đề xuất đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ đang khiến dư luận dậy sóng.
Đầu năm 2018, Bộ GTVT đã sử dụng tên “trạm thu giá” để thay cho tên gọi “trạm thu phí” để phù hợp với Luật giá và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, sau khi bị nhiều ý kiến dư luận phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa, Bộ đã quyết định đổi lại thành “trạm thu phí” như cũ, và nay lại đề xuất là “trạm thu tiền”.
Tuy nhiên, việc đề xuất đổi tên thành “trạm thu tiền” của Bộ GTVT lại tiếp tục khiến dư luận phản ứng. Bởi, về bản chất, dù là “trạm thu phí BOT” hay “trạm thu tiền” thì phương tiện đi qua vẫn phải trả tiền.
Không luật nào cấm sử dụng từ phí
Bày tỏ về đề xuất này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, năm 2018, Bộ GTVT đã làm người dân “tăng xông” khi đổi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” thì nay lại muốn đổi thành “trạm thu tiền” với lý giải: Phí giao thông không có trong Luật Phí, lệ phí năm 2015.
“Thế phí dịch vụ, phí môi giới, bưu phí, học phí, viện phí, phí dịch vụ ngân hàng,… trong hàng chục đạo luật vẫn duy trì bình thường cho đến nay. Trong khi đó, Bộ GTVT cứ muốn đổi tên trạm thu phí là vì sao?”- Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, không luật nào cấm dùng từ Phí. Bộ GTVT hãy để yên như tên gọi hiện nay, bởi về bản chất, người dân phải nộp tiền khi qua trạm.
Còn ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, tên gọi là gì thì người dân, doanh nghiệp đi qua trạm vẫn phải đóng đủ số tiền theo quy định.
“Việc của Bộ GTVT là quản lý chặt, làm thế nào để các trạm thu phí thu đúng, thu đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân chứ không phải nay muốn đổi tên này, mai lại muốn đổi tên khác”- ông Liên cho hay.
Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Ngô Trí Long cho rằng, thực chất tên gọi “trạm thu tiền” là đúng với Luật Giá hơn. Bởi, nhà đầu tư đã bỏ tiền ra để đầu tư đường, và thu lại tiền của phương tiện lưu thông để hoàn vốn dự án. Và, trạm là nơi để thu tiền.
“Do người dân đã quen với tên gọi “trạm thu phí” nên nay Bộ GTVT đề xuất đổi về đúng bản chất là “trạm thu tiền” thì lạ tai, không quen nên có sự phản ứng mạnh. Còn trước đó đổi thành “trạm thu giá” thì tối nghĩa”- chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Dư luận hiện đang phản ứng khá mạnh về đề xuất đổi tên “trạm thu phí” của Bộ GTVT. Về bản chất “trạm” là nơi thu tiền của phương tiện qua lại với một mức cố định, tùy thuộc vào loại phương tiện đi qua. Do vậy, Bộ GTVT cũng không cần loanh quanh đổi tên trạm, gây thêm dư luận không tốt về trạm BOT.
Trước đó, việc đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” được Bộ GTVT giải thích rằng, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.
Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.
Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.
Ngân Tuyền
—————-
An ninh Thủ đô (Xe) 08-5-2019:
(152/811)