(SN) – “Mong Bộ trưởng hãy trăn trở suy nghĩ làm thêm những gì dân đang khao khát mong chờ, bức xúc trong ngành GTVT (ví dụ như chống, giảm tai nạn giao thông, nhanh chóng thực hiện các dự án mở mang và nâng cao chất lượng giao thông…), chứ xin đừng có sa đà vào “chữ nghĩa” hình như chỉ để thanh minh cho mục đích nào đó. Việc này người dân chẳng quan tâm lắm, vì thay “chữ” gì thì người dân vẫn phải bỏ tiền ra thôi” VOV dẫn ý kiến chuyên gia đặt vấn đề.
Việc đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” của Bộ GTVT đang bị dư luận và nhiều chuyên gia tranh luận, phản ứng khá gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng việc này diễn ra nhiều lần, luẩn quẩn, chỉ là đánh tráo khái niệm trong khi việc Bộ cần làm ngay là quản lý, giám sát các trạm thu phí công khai, minh bạch, giảm thất thoát phí.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng, Bộ GTVT nên giữ tên trạm thu phí, bởi phí là tiền phải trả cho một dịch vụ nào đó.
“Chủ phương tiện sử dụng đường BOT là đang sử dụng dịch vụ đó và trả phí cho dịch vụ nên “trả phí” là từ chính xác nhất. Có thể Bộ GTVT muốn tránh dùng từ phí vì nó phải tuân thủ các quy định khác của Luật phí và lệ phí, nhưng phí vẫn là thuật ngữ chính xác nhất. Nếu dung từ phí mà phát sinh vấn đề gì với chủ đầu tư thì phải thương lượng với nhà đầu tư để tuân thủ được Luật phí và lệ phí, cách làm này cơ bản nhất còn bất kỳ một cách nào khác là anh đánh tráo khái niệm thôi”, ông Dũng nói.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, chuyển thành trạm thu tiền cũng không chính xác, đó cũng chỉ là một cách đánh tráo khái niện thôi. Do vậy, nên để nguyên và tìm cách để tuân thủ Luật phí và lệ phí.
Còn nếu cái nào Luật phí và lệ phí khó quá thì phải trình Quốc hội để sửa Luật phí và lệ phí chứ không nên đánh trái khái niệm.
“Luật giá là để xác lập giá cả của hàng hoá, còn đây là anh cung cấp dịch vụ và anh thu phí về dịch vụ anh cung cấp nên luật áp dụng phải là Luật phí và lệ phí. Nếu Luật giá có áp dụng chỉ áp dụng ở chỗ anh xác lập giá nó thế nào. Giá là mức lệ phí phải thu, chứ không phải thu giá, khái niệm nó khác nhau”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” là một “đề xuất ngây ngô” và cho rằng, không luật nào cấm dùng chữ “phí”.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đầu năm 2018, Bộ GTVT đã từng đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” với lý do phí giao thông không có trong Luật Phí, lệ phí 2015.
“Không có luật nào cấm không được dùng chữ “phí”. Sau Luật Phí, lệ phí, có thêm nhiều luật khác, Nghị định khác đề cập đến chữ phí. Có rất nhiều loại hình khác vẫn dùng phí như khái niệm, ngôn ngữ quen thuộc, dễ hiểu và điển hình. Không lẽ phí môi giới, bưu phí, học phí, viện phí, công tác phí, sinh hoạt phí…trong hàng chục nghị định hay luật khác phải bỏ đi”, ông Đức nói.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng dẫn chứng cho biết mới đây, luật Sửa đổi giáo dục đại học 2018 vẫn dùng khái niệm học phí. Nghị định 29/2019/NĐ-CP cũng đưa ra khái niệm về “phí dịch vụ ngân hàng”.
Dẫn lại việc đầu năm 2018, Bộ Giao thông vận tải đưa ra khái niệm “trạm thu giá” để thay thế cho “trạm thu phí”, dẫn đến phản ứng mạnh, buộc phải đổi lại tên trạm thu phí, luật sư Đức cho rằng những đề xuất này có thể tác động tốn kém không quá lớn khi đổi tên bảng hiệu, nhưng gây ức chế rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.
“Những người soạn thảo của Bộ Giao thông vận tải quá cứng nhắc trong việc hiểu luật và áp dụng luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Còn ông Bùi Danh Liên -Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội thì cho rằng, tên gọi là “trạm thu tiền” hay “trạm thu phí” không thay đổi được bản chất là người dân, doanh nghiệp đi qua trạm vẫn phải đóng đủ số tiền do cơ quan nhà nước ban hành, quy định.
“Việc quan trọng của Bộ Giao thông vận tải là quản lý chặt, làm thế nào để các trạm thu phí thu đúng, thu đủ, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, chứ không phải nay muốn đổi tên này, mai lại muốn đổi tên khác”, ông Liên cho hay.
Liên quan đến đề xuất đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền” của Bộ GTVT, một chuyên gia ngôn ngữ của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng, việc “luẩn quẩn” đổi tên trạm thu phí giao thông đường bộ của Bộ GTVT sai từ Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội thông qua, đáng lẽ phải nói rõ 2 khái niệm phí khác nhau, giờ mặc định phí là áp dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp, mức phí do cơ quan Nhà nước ấn định. Trong khi phải quy 2 loại phí, là phí Nhà nước và phí doanh nghiệp kinh doanh khác.
Vì vướng mắc đó nên Bộ GTVT bị vướng, đổi “thu giá” thì buồn cười, nhưng để “thu phí” cũng được không cần phải đổi, hoặc để tiền cũng được nhưng nó cũng hơi ngược. Vì Luật giá lại không quy định về giá, còn thu tiền là gì thì không đề cập tới.
“Dịch vụ doanh nghiệp cũng có phí, đâu phải chỉ mỗi dịch vụ công mới là phí. Giờ Quốc hội, Thủ tướng nói về đổi “thu giá” về lại “thu phí” thì cứ thế làm, đâu cần phải sửa lại”, vị chuyên gia phân tích.
Trước đề xuất rất “bất bình thường” trên, một số người dân cho rằng:
“Mong Bộ trưởng hãy trăn trở suy nghĩ làm thêm những gì dân đang khao khát mong chờ, bức xúc trong ngành GTVT (ví dụ như chống, giảm tai nạn giao thông, nhanh chóng thực hiện các dự án mở mang và nâng cao chất lượng giao thông…), chứ xin đừng có sa đà vào “chữ nghĩa” hình như chỉ để thanh minh cho mục đích nào đó. Việc này người dân chẳng quan tâm lắm, vì thay “chữ” gì thì người dân vẫn phải bỏ tiền ra thôi. Nhưng khi Bộ trưởng thay chữ thì cái hàng nhiều tỷ đồng lại đổ vào thay biển hiệu, làm con dấu… Ích lợi cho Bộ chẳng thấy đâu mà dư luận xã hội lại càng thêm chán ngán…”.
Theo Dự thảo, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Vào cuối tháng 5/2018, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đề xuất đổi tên “trạm thu giá đường bộ.” Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc chuyển đổi cơ chế quản lý từ phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.
Sau khi bị nhiều ý kiến phản đối vì cụm từ “trạm thu giá” không có nghĩa và không cần thiết, Bộ Giao thông Vận tải lại đổi lại thành “trạm thu phí.”
Tại kỳ họp Quốc hội vào ngày 4/6/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải giữ nguyên tên gọi “trạm thu phí” như trước đây. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu bỏ tên gọi “trạm thu giá”, giữ nguyên tên gọi cũ là thu phí.
——————–
Sputniknews (Ý kiến) 09-5-2019:
(289/1.498)