(LĐ) – UBND TP.HCM cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ với điện thoại di động đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Tuy nhiên, trước đề xuất này của TP.HCM, một số luật sư cho rằng không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này.
UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước”.
Đáng chú ý, về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đề xuất này của UBND TP.HCM là không phù hợp. Theo luật sư Ứng, thuế TTĐB nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng trong nước. Mức thuế TTĐB của các hàng hóa, dịch vụ hiện nay là 5 – 150%, nếu tính thuế sẽ đẩy giá tăng lên cao. Hơn nữa, các loại sản phẩm như điện thoại, mỹ phẩm, nước hoa bị đánh thuế sẽ tìm cách đi theo con đường không chính thống và tất nhiên sẽ xuất hiện nhiều hàng lậu.
Cũng theo luật sư Ứng, điện thoại là phương tiện sử dụng thiết yếu của người dân, dùng để liên lạc với nhau trong đời sống hàng ngày. Hơn nữa, khi công nghệ ngày càng phát triển, nhiều chiếc điện thoại thông minh (smartphone) ra đời cũng đã thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội ngày càng tăng lên.
“Nhiều dịch vụ được sử dụng từ điện thoại được người dân áp dụng. Vậy, nếu đánh thuế TTĐB đối với điện thoại thu được ít tiền thuế mà bỏ qua chủ trương lớn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các dịch vụ qua điện thoại liệu có đáng”, luật sư Ứng phân vân.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng UBND TP. HCM không có căn cứ nào hợp lý và thiếu hẳn triết lý đánh thuế khi đề xuất áp thuế TTĐB cho các mặt hàng này.
Theo ông Đức, thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích. Nếu không phải thế thì nó đã là thuế giá trị gia tăng.
“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào”, ông Đức bình luận.
Trong khi đó, theo lý giải của UBND TP.HCM, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Còn điện thoại di động, theo UBND TP.HCM đây cũng không thuộc diện “rất thiết yếu”. Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.
Trước đó, TP. HCM từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu cao hơn các địa phương khác.
CAO NGUYÊN
——————-
Lao động (Kinh doanh) 09-5-2019:
(159/678)