(VOVGT) – Thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm tại đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Mua sắm thuận tiện, hàng gì cũng sẵn, giá nào cũng có là những ưu điểm nổi bật mà website thương mại điện tử so với phương thức mua sắm truyền thống.
Tuy nhiên, vì là “siêu chợ”, nên hàng hóa trong nhiều trường hợp bị buông lỏng về chất lượng, xuất xứ…khiến khách hàng bất bình. Các chuyên gia đề xuất những giải pháp nào để quản lý các sàn thương mại điện tử hiện nay?
Việt Nam đang có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được cấp phép hoạt động.
Với số lượng đông đảo như vậy, cùng ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm được chào bán tại đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Điều đáng nói, với giá bán chỉ từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, mức giá rẻ hơn 1/10 hay 1/100 so với giá niêm yết được các hãng đưa ra, người bán tại đây vẫn luôn cam kết chắc chắn về chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, chuyên gia sản phẩm và cơ quan chức năng khẳng định, một số trang web thương mại điện tử đã cố tình lợi dụng một cách công khai, ngang nhiên thương hiệu và hình ảnh của các hãng uy tín để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hàng giả, hàng gian kém chất lượng.
Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, số vụ khiếu nại hàng hóa liên quan đến kinh doanh qua mạng chiếm khoảng 10% tổng số khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017.
Đơn cử, trong năm 2017, Cục đã tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại Lazada.vn, Công ty TNHH Recess, chủ yếu tập trung vào những hành vi như chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ hoặc đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm… Các ứng dụng mua sắm phổ biến như Shopee, Sendo… cũng vướng phải những khiếu nại tương tự từ người tiêu dùng…
Theo các chuyên gia kinh tế, với các nhu cầu và tiêu chí khác nhau, công ty thương mại điện tử hiện đang có sự phân hóa theo các mô hình hoạt động khác nhau. Trong đó sàn thương mại điện tử cho phép bên bán hàng mở gian hàng và đăng bán trực tiếp đang là mô hình rất phổ biến hiện nay.
Hầu hết mô hình các sàn thương mại điện tử này sẽ giống như một ban quản lý chợ, cung cấp các gian hàng cho thuê và thu phí người bán. Trong khi đó người mua và người bán phải tự chịu trách nhiệm về thương hiệu, chất lượng, xuất xứ và giá cả của hàng hóa.
Mặc dù không thể phủ nhận trách nhiệm của các trang thương mại điện tử trong vấn đề hàng giả, hàng nhái khi để các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng giả trên chợ giao dịch của họ, nhưng theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI hệ thống pháp lý hiện nay chưa chặt chẽ trong việc quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Do vậy, người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông tin cam kết của đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đặt ra nghi vấn khi giá của sản phẩm rẻ gấp nhiều lần so với giá niêm yết tại công ty sản xuất.
“Bản chất của nó không đúng với ý nghĩa đầy đủ của sàn thương mại điện tử. Đó là họ lấy danh nghĩa của sàn thương mại điện tử, lợi dụng, làm méo mó đi, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Khi pháp luật chưa chặt chẽ, người tiêu dùng phải tự tìm hiểu, xem xét điều khoản cam kết, nội quy của trang đó”.
Có thể nói việc chống hàng giả hàng nhái trên các trang thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Bản thân chống hàng giả tại các chợ, siêu thị vật lý đã khó, việc này ở các chợ thương mại điện tử trực tuyến càng khó khăn gấp bội khi lượng hàng hóa, số lượng gian hàng và chủng loại mặt hàng phát triển không kiểm soát. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý cũng như bản thân các sàn thương mại điện tử phải sớm đưa ra các công cụ/điều khoản hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định:
“Sắp tới đây, cần sớm hoàn chỉnh bộ khung pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng một cách thích đáng. Vấn đề hiện nay cần có các quy định giám sát của Bộ Công thương và Bộ Thông tin truyền thông để quy định trách nhiệm rõ ràng giữa công ty bán sản phẩm cũng như sàn giao dịch điện tử trong trường hợp có sự sai lệch về quảng cáo và sản phẩm thật, cũng như chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại thế nào? Trên thực tế thì các nước đã có quy định rất chặt chẽ và khách hàng hoàn toàn có thể được bồi thường”.
Hiện nay, một số sàn giao dịch điện tử có những giải pháp nhất định khi cung cấp tới người dùng công cụ phản hồi, đánh giá với cửa hàng, nhưng dường như công cụ này không thực sự hiệu quả. Hầu hết các phản ứng, cách thức xử lý của các trang thương mại điện tử mới chỉ dừng ở việc “sự đã rồi”.
Tuy vậy, cùng với việc xây dựng khung pháp lý, các giải pháp của cơ quan chức năng, nếu các trang thương mại điện tử không sớm có các nỗ lực ngăn chặn hàng giả, hàng nhái thì những sàn giao dịch điện tử này sẽ tự làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Tác giả: Kênh VOV Giao thông
——————
VOV Giao thông (Tin tức) 08-8-2018:
http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Duong-tin/27868/Quan-ly-cac-san-thuong-mai-dien-tu-bang-cach-nao
(177/1.119)