(GĐ) – Sau khi Báo Gia đình & Xã hội đăng tải loạt bài viết về thực trạng tài xế đi vào các tuyến đê, đường tránh, đường dân sinh để né trạm thu phí BOT, nhiều vị là đại biểu Quốc hội, chuyên gia giao thông và luật sư đã đóng góp ý kiến để cùng cơ quan chức năng tìm ra giải pháp…
GiadinhNet – Có vẻ như tình trạng ô tô “né” trạm BOT để “chui” vào đường làng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bởi chỉ sau một tuần đi theo cánh tài xế xe tải, chúng tôi đã biết thêm rất nhiều lộ trình tránh trạm thu phí mà không gặp trở ngại nào…
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội).
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội): Nếu nhìn xa hơn thì ngân sách đang thất thoát
“Hiện nay, tình trạng xe trọng tải lớn, xe container né trạm thu phí bằng cách đi vào những tuyến đường làng, đường đê đang rất phổ biến. Cái lý của nhà đầu tư là: “Tôi đầu tư đường BOT, anh đi qua thì phải trả tiền”; còn lái xe chống chế rằng: “Con đường độc đạo trở thành đường BOT khiến chúng tôi không còn lựa chọn buộc phải đi vòng vào đường dân sinh để giảm chi phí. Mà đã là đường thì không thể cấm phương tiện đi qua”. Từ những bất cập về khung pháp lý dẫn đến nhiều hệ lụy mà nhãn tiền là nhà đầu tư không thể hoàn vốn hoặc kéo dài thời gian thu phí. Về phía người dân sống quanh khu vực đặt trạm thu phí – Họ đang phải chịu cảnh ô tô “băm nát” đường làng, khói bụi ô nhiễm suốt ngày lẫn đêm, nguy cơ tai nạn giao thông thì luôn rình rập… Nếu nhìn xa hơn thì một nguồn lớn ngân sách đang bị thất thoát. Nhà nước chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư dự án BOT để giảm gánh nặng ngân sách nhưng rồi lại phải lấy ngân sách ra cải tạo những tuyến đường bị hư hỏng do phương tiện né trạm thu phí đi qua”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).
TS Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): Chính phủ và Bộ GTVT cần sớm có giải pháp
“Quả thật, với hàng loạt cung đường né trạm thu phí mà Báo Gia đình & Xã hội đã phản ánh cho thấy, đây không còn là hiện tượng hay sự bộc phát. Câu chuyện ở đây cho thấy, nếu mà đi đường BOT khiến chi phí đắt hơn nhưng hiệu quả chưa tương xứng thì lái xe sẽ chọn đi đường rẻ hơn. Trong quy luật kinh tế cũng nêu rõ: Phải tối đa hóa lợi nhuận, chọn phương án nào có lợi nhất. Bây giờ phải xác định, phương tiện ấy đi vào đường làng, đường đê để tránh trạm BOT thì có vi phạm quy định nào của pháp luật không?. Còn nếu không cấm thì đương nhiên tài xế được quyền đi lại.
Hàng loạt phương tiện trốn trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT QL5 Hưng Yên, BOT Tam Nông (Phú Thọ), BOT QL6 Hòa Bình, BOT Hà Nội – Bắc Giang… bằng cách đi vào các tuyến đê, đường làng gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: PV
Cơ quan quản lý không thể nhắm mắt làm ngơ không xử lý những vấn đề bất cập đang đặt ra. Đầu tiên phải chấm dứt ngay là thu phí BOT kiểu áp đặt, vì người ta không đi đường BOT thì không thể thu, đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không được. Trả 1 đồng mà bất công, người dân cũng không chịu. Với những trạm thu phí “đặt nhầm chỗ” cần phải di dời ngay, không thể vì lợi ích nhóm mà chối đẩy, quanh co mãi được. Chính phủ và Bộ GTVT cần sớm có giải pháp xử lý”.
Luật sư Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC).
Luật sư Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC): Méo mó chủ trương tốt
“Từ những hồ sơ ký kết đầu tư, xây dựng cải tạo tuyến đường giao thông theo hình thức BOT mà tôi tiếp cận cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư đi vay vốn ngân hàng với tỷ lệ lớn, có khi lên đến hơn 85% và vốn tự có chỉ 15%.
Mấu chốt ở việc kêu gọi đầu tư BOT đường giao thông xuất phát từ nguyên nhân thiếu ngân sách. Nghịch lý này lại đang là điểm hấp dẫn với nhà đầu tư bởi đường giao thông không thu 1 năm thì thu nhiều năm, thu bao giờ lãi hoàn vốn, có lãi thì thôi. Vì thế một số dự án đường giao thông BOT đã không đạt được mục đích phát triển phục vụ đất nước, thậm chí kìm hãm và đi ngược lại lợi ích nhân dân.
Quay trở lại vấn đề tài xế né trạm thu phí mà Báo Gia đình & Xã hội phản ánh cho thấy, những dự án BOT này đều có vấn đề như: Nâng cấp sửa đường trên nền đường cũ nhưng vẫn cho thu ngang với dự án đầu tư mới; làm đường tránh nhưng thu phí đường chính; thu phí quá cao so với đầu tư và chất lượng đường giao thông… Đừng quên những dự án đấy có cả phần đầu tư của nhà nước, xã hội, thuế của dân. Đây là vấn đề “gốc” mà cơ quan chức năng cần phải xem xét, giải quyết”.
Ông Lê Văn Tiến (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng).
Ông Lê Văn Tiến (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng): Xử lý nghiêm tài xế cố tình vi phạm
“Hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư dự án BOT kêu ca rằng tình trạng phương tiện tìm mọi cách né trạm thu phí khiến họ thất thoát tài chính, chậm thu hồi vốn. Đáng ra, ngay từ khi lập dự án BOT đường giao thông họ phải tính đến các phương án vị trí đặt trạm, những điểm giao cắt để phương tiện không thể né tránh. Thêm một điều nữa là khi làm trạm thu phí BOT nhà đầu tư nên công khai, minh bạch: Con đường dài bao nhiêu cây số, bao nhiêu làn xe, thời gian được thu hồi bao nhiêu, mức thu bao nhiêu… Khi đó, nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Chủ trương không đặt trạm thu phí ở đường độc đạo là đúng và bây giờ khi đã có những bất cập thì cần có giải pháp xử lý. Đầu tiên, cơ quan quản lý cần rà soát, xem xét việc di dời những trạm thu phí bất hợp lý. Tiếp đó là đưa ra các giải pháp ngăn chặn phương tiện né trạm thu phí dẫn đến phá hủy đường làng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thậm chí, các địa phương cần cắm biển cấm xe tải nặng, xe lớn… vào đường dân sinh kết hợp với tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát để phát hiện và xử phạt.
Song song với việc này, các ngành chức năng cần phải vào cuộc, tuyên truyền để người dân cũng như tài xế hiểu và đồng thuận về những dự án BOT đúng đắn. Bản thân các doanh nghiệp phải có ý thức trong việc chấp hành quy định của nhà nước, không đi vào các đường cấm; ảnh hưởng đến việc an toàn giao thông, hạ tầng giao thông không đảm bảo. Cần phải xử lý nghiêm những hành vi cố tình vi phạm; tự ý phá bỏ barie cũng như quy rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại”.
Liên quan đến loạt bài viết “Tài xế “né” trạm BOT, ai là người gánh họa?” được đăng tải trên Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Bộ GTVT cho biết đã tiếp nhận thông tin phản ánh và sẽ kiểm tra lại toàn bộ các dự án BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Thanh Nê (Thái Bình), BOT Tam Nông (Phú Thọ), BOT cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, BOT QL6 Lương Sơn (Hòa Bình), BOT QL5 (Hưng Yên), BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài để có phương án xử lý.
Nhóm Phóng Viên
——————
Gia đình (Xã hội) 09-8-2018:
(284/1.485)