(TQ) – Sau khi Bộ Giao thông, vận tải lấy ý kiến cho dự thảo thông tư đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu tiền, một lần nữa, dư luận lại “dậy sóng”
Cái tên không thay đổi được bản chất
Từ ngày 6/5 đến ngày 6/7, Bộ Giao thông, vận tải lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.
Dự thảo này quy định 12 điều nhằm thay thế thông tư số 49/2016/TT-BGTVT về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Theo đó, trạm thu phí hiện nay sẽ được gọi là “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ. Đây là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Rất nhiều ý kiến đã cho rằng, cái tên của trạm thu phí không thay đổi được bản chất và Bộ nên dành thời gian có ích để xử lý tồn tại tại các trạm BOT hiện nay.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, tên gọi là “trạm thu tiền” thì người dân, doanh nghiệp đi qua trạm vẫn phải đóng đủ số tiền do cơ quan Nhà nước ban hành, quy định.
Ông Liên khẳng định, việc quan trọng của Bộ Giao thông, vận tải hiện nay là quản lý chặt, làm thế nào để các trạm thu phí thu đúng, thu đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân chứ không phải là chuyện đổi tên cho trạm thu phí.
Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật giá.
Việc đổi tên thành “trạm thu giá” tại các trạm BOT của Bộ Giao thông, vận tải từng gây xôn xao dư luận. Lần này, Bộ lại đang lấy ý kiến để thay đổi thành “trạm thu tiền”
Năm 2016, Bộ Giao thông, vận tải ban hành thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ và gọi là “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”.
Sau nhiều ý kiến lên tiếng phản đối, thậm chí Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong các cuộc họp và ban hành văn bảo chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Giao thông, vận tải có ý kiến về việc đổi lại tên cũ do từ “trạm thu giá” quá tối nghĩa, tên gọi này được chuyển đổi về tên gọi cũ là “trạm thu phí” vào tháng 7/2018 và giờ đây, Bộ Giao thông, vận tải lại đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư thay thế tên gọi “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”.
Không luật nào cấm dùng từ phí
Theo dự thảo mới, trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông. Tài sản của trạm gồm nhà điều hành, nhà bán vé, cổng soát vé, thiết bị kiểm soát, điện chiếu sáng, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thiết bị giám sát và các công trình phụ trợ…
Dự thảo cũng quy định vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của Nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.
Đối với các trạm theo hình thức thu hở (thu vé lượt), vị trí trạm phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm.
Bình luận về việc này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, năm 2018, Bộ Giao thông, vận tải đã làm người dân “tăng xông” khi đổi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” thì nay lại muốn đổi thành “trạm thu tiền” với lý giải: Phí giao thông không có trong Luật Phí, lệ phí năm 2015.
Hiện nay phí dịch vụ, phí môi giới, bưu phí, học phí, viện phí, phí dịch vụ ngân hàng… vẫn đang được các nơi sử dụng.
Luật sư này cho hay, hiện không có luật nào cấm dùng từ “phí” cả và đề nghị Bộ Giao thông, vận tải hãy để nguyên như tên gọi hiện nay. Về mặt bản chất, người dân phải nộp tiền khi qua trạm và mức tiền này không được sòng phẳng theo kiểu “thuận mua vừa bán”.
Trước nhiều vấn đề xã hội phát sinh tại các trạm BOT, giữa năm ngoái, Chính phủ đã ban hành một nghị quyết về vấn đề này. Trong đó yêu cầu, những tồn tại cần giải quyết của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai, khẩn trương quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí sử dụng dịch vụ chính thức; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; thực hiện đúng cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư về phần vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; Thực hiện nghiêm túc các điều khoản về đảm bảo đầu tư nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của các dự án.
Hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng…/.
Thái Linh- Nguyễn Nga
————–
Tổ quốc (Thời sự) 09-5-2019:
(146/1.112)