(DV) – Trước thực trạng ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các trường hợp vi phạm, trốn lậu thuế còn những tài khoản khác, cơ quan thuế không nắm được dù rằng có thể các tài khoản này được Google, Youtube trả hàng chục tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đề xuất cần phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn đảm bảo bí mật với người nộp thuế.
Ngày 14.5, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Về thực trạng công tác quản lý thuế trên địa bàn TP Hà Nội và kiến nghị, giải pháp thực hiện Luật Quản lý thuế trong thời gian tới, góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)”.
“Bí mật thông tin khách hàng trong phạm vi nào?”
Bày tỏ sự băn khoăn trước quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về số tài khoản khách hàng theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản, PGS. TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, phân tích: “Trong quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử, nếu chỉ quy định ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ, phối hợp thu thuế, cung cấp số tài khoản có đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại không có trách nhiệm cung cấp các giao dịch thanh toán không?
Tất nhiên chúng ta cần đặt vấn đề là Luật các Tổ chức tín dụng yêu cầu đảm bảo bí mật thông tin khách hàng nhưng bí mật trong phạm vi nào? Theo tôi, trong trường hợp này, ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo trình tự pháp luật, giao dịch của người nộp thuế nào cơ quan thuế nghi ngờ có khả năng trốn thuế thì ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Nhưng ở đây chỉ cung cấp thông tin các giao dịch tính thuế thôi, các giao dịch không tính thuế thì không cần cung cấp. Ví dụ, bí mật đầu tư cá nhân, người dân không muốn công khai thì chúng ta phải giữ bí mật vì đó là quyền công dân. Cần bổ sung những yêu cầu này vào Điều 27, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi”.
Mở rộng vấn đề sang các giao dịch thương mại điện tử, PGS. TS. Lê Xuân Trường cho hay, các thanh toán giao dịch điện tử hiện nay không chỉ được thực hiện qua ngân hàng thương mại. Vậy nên, cần quy định các tổ chức trung gian thanh toán điện tử phải có trách nhiệm khấu trừ thuế, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện thương mại điện tử chưa được quản lý tốt. Cơ quan thuế đã cố gắng phân loại các hình thức giao dịch khác nhau như bán hàng trên mạng xã hội, trên tivi, các cá nhân cung cấp dịch vụ cho Youtube, Google… nhưng số tiền thuế thu được chưa nhiều. Nguyên nhân do cơ quan chức năng chưa quản lý được luồng tiền và không nắm chắc được giao dịch ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Cúc nhận xét: “Phía ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế các trường hợp vi phạm, trốn lậu thuế còn những tài khoản khác, cơ quan thuế không nắm được dù rằng có thể các tài khoản này được Google, Youtube trả hàng chục tỷ đồng”.
Từ đó, bà Cúc đề xuất cần phải có cơ chế chia sẻ thông tin giữa tổ chức tín dụng và cơ quan thuế nhưng vẫn đảm bảo bí mật với người nộp thuế.
“Ta đưa ra việc các đơn vị cùng chung tay nhưng phải có chức năng, công cụ mới làm được. Việc này cần Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, các tổ chức tín dụng để làm sao xây dựng cơ sở dữ liệu để nắm được thông tin người nộp thuế” bà Cúc nói.
“Muốn ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng phải trả phí!”
Trước đó, trao đổi với Dân Việt về quy định ngân hàng thương mại phải định kỳ cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng (NH) cho cơ quan quản lý thuế, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết, đây là một quy định đúng và hợp lý. Bởi chức năng quan trọng nhất của cơ quan quản lý thuế là thu thuế và chống trốn thuế. Về nguyên tắc chung, tất cả các cá nhân, pháp nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giúp đỡ cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, gian lận.
Có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, công việc này làm mất quá nhiều thời gian, công sức của các tổ chức tín dụng. Vậy nên, chúng ta cần thay đổi, tìm một phương án mới hoặc giành một khoản chi phí bù trừ cho thời gian, công sức họ bỏ ra.
Ví dụ, như đề án hợp nhất thông tin để thực hiện quản lý Nhà nước mới được công bố cách đây không lâu. Bản chất thông tin là của Nhà nước và người dân, nhưng để phục vụ cho mục tiêu quản lý xã hội tốt hơn, thông tin này sẽ được chia sẻ cho công chúng và các cơ quan chức năng.
Trường hợp cơ quan thuế hay một tổ chức, cá nhân muốn tra cứu thông tin tài khoản, thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm, hồ sơ thế chấp sẽ phải trả phí. Điều này sẽ hợp hơn thay vì việc văn bản yêu cầu phía ngân hàng cung cấp thông tin, gây khó khăn, tốn kém cho họ.
Thứ hai, quy định như thế nào để bảo đảm quyền lợi giữa các bên. Đặc biệt, tránh để người dân lo ngại, nhầm lẫn việc bị lộ bí mật khi ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, không chỉ riêng cơ quan thuế, có rất nhiều đơn vị được phép yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin như công an, cơ quan thi hành án, thẩm phán, cơ quan thanh tra – giám sát của NHNN…
“Bản thân các cơ quan này phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin khách hàng. Giờ chúng ta phải xây dựng quy định sao cho hạn chế tỷ lệ rò rỉ thông tin. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của một vài hoặc vài chục trường hợp trong một số thời điểm sẽ không thể dẫn tới rò rỉ dữ liệu, thông tin chung”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Hoàng Nhật
—————-
Dân Việt (Kinh tế) 15-5-2019:
http://danviet.vn/tien-te/thue-yeu-cau-ngan-hang-cap-thong-tin-bi-mat-khach-hang-o-dau-979643.html
(490/1.284)