(DV) – Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển không có nghĩa phải co hẹp kinh tế Nhà nước. Nếu như kinh tế Nhà nước có hiệu quả, ưu việt về năng suất lao động và sáng tạo, vận dụng khoa học công nghệ… chúng ta cần ủng hộ. Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng để kinh tế Nhà nước cạnh tranh bình đẳng với kinh tế tư nhân, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế.
“Doanh nghiệp chiếm đất đai và làm bất động sản hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân” – Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đang đóng vai trò quan trọng đối với việc gia tăng tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, những tín hiệu mới tích cực đã và đang cho thấy việc phát triển kinh tế tư nhân đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân còn khiêm tốn khiến vai trò, hình ảnh của khối DN tư nhân vẫn chưa có được vị trí xứng tầm.
Chúng ta phải tạo điều kiện như cải cách thể chế, mở rộng môi trường kinh doanh để cho tỷ trọng của kinh tế tư nhân đóng góp cho nền kinh tế đất nước ngày càng lớn, để chiếc bánh kinh tế càng phát triển ra, chứ không phải chiếc bánh kinh tế vẫn cứ như vậy và chúng ta bàn xem anh này phải co lại để cho anh kia phát triển.
Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng để kinh tế Nhà nước cạnh tranh bình đẳng với kinh tế tư nhân, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế.
Thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp chiếm đất đai và làm bất động sản hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân chứ không có doanh nghiệp Nhà nước. Thặng dư về bất động sản và chênh lệch địa tô là doanh nghiệp tư nhân chiếm nhiều nhất trong 10 năm trở lại đây.
“Kinh tế tư nhân hiện không được đối đãi công bằng” – Ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh BizUni
Nghị quyết 10 của Trung ương đã xác định kinh tế tư nhân quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên hiện tại, kinh tế tư nhân chỉ chiếm 40% GDP, kinh tế nhà nước chiếm gần 30%, còn lại là các hộ cá thể. Điều này là bất hợp lý. Kinh tế tư nhân phải là trụ cột của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc kinh tế tư nhân cần phải chiếm 50% GDP.
Ngay cả nhận thức của chúng ta cũng là ưu tiên cho Nhà nước, các nước khác họ chỉ hỗ trợ chính sách và không làm quản lý kinh tế nhiều, trừ một số ngành hết sức đặc biệt. Trong khi đó, tại Việt Nam thì Nhà nước cũng làm kinh tế. Rõ ràng, những chỉ số của doanh nghiệp Nhà nước thua xa kinh tế từ nhân, chưa kể phát sinh ra tham nhũng, thất thoát.
Khi chúng ta nói rằng, kinh tế tư nhân đóng góp và trở thành cỗ máy chính của nền kinh tế thì chúng ta phải có phương án giảm kinh tế Nhà nước.
Tôi vẫn phải lặp lại câu, cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa nhưng thực tế có rất nhiều cái tư nhân làm được nhưng Nhà nước vẫn đang làm. Kinh tế tư nhân hiện không được đối đãi công bằng.
“Nhà nước phải điều tiết thị trường nhưng đừng tranh miếng bánh của thị trường”- Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Sự bứt phá của doanh nghiệp tư nhân gắn với sự bứt phá trong tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bứt phá ở đây không phải chỉ là chỉ tiêu kinh tế mà bứt phá về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định là rào cản đối với doanh nghiệp…
Theo tôi, Nhà nước cần phải nhanh chóng rút lui khỏi thị trường. Phải thừa nhận kinh doanh là việc của tư nhân, dứt khoát không phải việc của Nhà nước. Chính vì thế, DNNN cần phải giảm mạnh, giảm nhanh cả về quy mô lẫn số lượng.
Số lượng DNNN thì giảm nhiều rồi. Tôi nhớ lúc tôi đi làm 11.500 doanh nghiệp, bây giờ còn có mấy trăm nhưng thực chất có giảm đâu? Con số đưa ra mới CPH chưa được 10% vốn Nhà nước. Chưa được 1/10, tôi cho là chưa được gì. Hiện tại, Nhà nước đã “ngộp” vì quản lý rồi, không để “chết chìm” vì kinh doanh nữa. Nhà nước phải điều tiết của thị trường nhưng đừng tranh miếng bánh của thị trường.
“Phát triển kinh tế tư nhân nhưng không coi nhẹ kinh tế Nhà nước” – TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Tôi hoan nghênh ý kiến ủng hộ kinh tế tư nhân của TBT, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Tôi hy vọng, những ý kiến này sẽ dẫn tới sự thay đổi của cơ quan Nhà nước của một số quan chức giảm bớt phiền hà, thủ tục và rào cản đối với kinh tế tư nhân.
Về kinh tế Nhà nước, tôi nghĩ về kinh tế học cần phải lấy hiệu quả để đo lường. Nếu như kinh tế Nhà nước có hiệu quả, ưu việt về năng suất lao động và sáng tạo, vận dụng khó học công nghệ… chúng ta cần ủng hộ. Còn nếu như kinh tế Nhà nước thất thoát nhiều, trong thất thoát đó, rõ ràng có trách nhiệm của bộ máy quản lý Nhà nước thì chúng ta cần nghiêm túc xem xét.
Nếu chúng ta ủng hộ kinh tế bằng mọi giá ngay cả khi kinh tế Nhà nước kém hiệu quả thì chúng ta phải trả giá.
Chúng ta cũng không nên coi nhẹ kinh tế Nhà nước và chuyển tất cả sang tư nhân. Ngay trong các nước có nền kinh tế tự do nhất, họ vẫn cần vai trò của kinh tế Nhà nước. Về kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân, chúng ta cần theo nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì kinh tế tư nhân không làm được, chưa làm được, chưa hiệu quả bằng kinh tế Nhà nước.
Lê Thúy
—————
Dân Việt (Kinh tế) 17-5-2019:
(220/1.146)