(GT) – Một số quốc gia không tiêu tiền mặt mà thanh toán qua thẻ nhờ quá trình nhiều năm tuyên truyền…
Nhiều trạm thu phí đã có làn thu phí tự động (Trong ảnh: Xe qua trạm thu phí trên QL1, đoạn qua Quảng Bình) – Ảnh: K.Linh |
Một số quốc gia không tiêu tiền mặt mà thanh toán qua thẻ nhờ quá trình nhiều năm tuyên truyền, chuẩn bị hành lang pháp lý. Tại Việt Nam, do chưa có cơ sở pháp lý nên không thể bắt buộc người dân dán thẻ.
Thu phí tự động không dừng là chủ trương đúng, không chỉ hạn chế gian lận mà còn giảm chi phí nhân lực, thời gian thu phí. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hình thức thu phí không dừng vẫn “dậm chân tại chỗ”, tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm đã triển khai vẫn còn rất thấp, người dân vẫn chưa mặn mà khi có quá ít trạm triển khai thu phí không dừng. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có việc chúng ta tuyên truyền chưa tốt. Cùng đó, do thói quen của người dân Việt Nam vẫn thích dùng tiền mặt để trả, chưa quen dùng thẻ, thanh toán qua ngân hàng.
Chúng ta đang đặt ra mục tiêu là dán tem thu phí tự động (thẻ Etag) trên 100% phương tiện xe cơ giới và năm 2019 sẽ thực hiện việc thu phí không dừng tại tất cả trạm thu phí đường bộ. Tuy nhiên, tôi được biết, một số quốc gia họ không tiêu tiền mặt mà thanh toán qua thẻ nhờ quá trình nhiều năm tuyên truyền, chuẩn bị hành lang pháp lý. Tại Việt Nam, do chưa có cơ sở pháp lý nên không thể bắt buộc người dân dán thẻ, người dân có quyền lựa chọn dùng tiền mặt hay dùng thẻ.
Vì vậy, theo tôi trước mắt nên tuyên truyền cho người dân, thậm chí có hình thức ưu đãi để khuyến khích, thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản và thanh toán không dùng tiền mặt. Mọi hạn chế liên quan đến quyền của người dân phải được quy định bằng Luật. Có nước 10 năm họ mới thành công nhưng chúng ta có thể rút ngắn trong 3 – 5 năm. Trong thời gian này, chúng ta triển khai nhiều giải pháp từ khuyến khích đến thay đổi hành lang pháp lý để thành công.
Có 3 bước để thực hiện thành công việc này: Bước 1, là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng thể mang lại lợi ích cho nhân dân. Bước 2, là bắt buộc đối với một số giao dịch. “Lỗ hổng” lớn hiện nay là có những giao dịch tài sản giá trị hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn dùng tiền mặt. Vì vậy, trước tiên cần quy định hạn mức giá trị tài sản phải thanh toán qua tài khoản. Bước 3, là các giao dịch thấp hơn, có giá trị thanh toán thường ngày như thu phí.
Cách thức triển khai có nhiều cách, giải pháp cưỡng chế phân luồng tại trạm cũng là giải pháp tốt để người dân quen dần với thanh toán qua tài khoản. Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ GTVT đã rất quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nên tôi nghĩ việc thu phí tự động không dừng không còn là vấn đề quá khó. Quan trọng là chúng ta cần phải giải quyết khâu kĩ thuật, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, có sự liên kết giữa chủ đầu tư và hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, cần có các biện pháp tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích của hình thức này và tích cực hưởng ứng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI
——————
Giao thông (Thời sự – Xã hội) 16-8-2018:
http://www.baogiaothong.vn/can-hanh-lang-phap-ly-cho-thu-phi-khong-dung-d268392.html
(673/673)