2.280. Doanh nghiệp quan tâm cắt được bao nhiêu chi phí

(ĐT) – Thời hạn các bộ, ngành phải thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ ráo riết theo sát, đảm bảo sự tuân thủ. Nhưng có lẽ, giới kinh doanh quan tâm hơn đến những lợi ích thực chất mà họ được hưởng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Nhựa An Phú Việt (Hưng Yên). Ảnh: Đức Thanh

Thành lập doanh nghiệp mới chỉ mất 100.000 đồng

Nếu Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI có trong tay văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính về việc phối hợp cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp, hẳn ông sẽ có những bình luận mới tích cực.

Những phiền phức mà các khách hàng hay kêu, theo ông Đức, đó là việc phải thực hiện hai thủ tục là cấp giấy đăng ký doanh nghiệp và công bố nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã không còn. Không chỉ vậy, chi phí thành lập doanh nghiệp mới sẽ giảm hơn so với kỳ vọng của ông Đức. Trong lần góp ý sửa đổi Luật Doanh nghiệp vào tháng 2/2019, ông Đức đề nghị chỉ tính lệ phí 1 lần và bằng khoảng 50% mức hiện tại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cắt giảm 100% lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giảm phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 300.000 đồng, xuống còn 100.000 đồng.

Cũng phải nhắc lại, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có quy định tích hợp thủ tục công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp với thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thành một thủ tục.

“Nếu thực hiện các sửa đổi trên, chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp mới sẽ giảm xuống còn 100.000 đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán trong văn bản gửi Bộ Tài chính.

Quan trọng là doanh nghiệp hưởng lợi ngay

Qua đề xuất chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính, mục tiêu cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường mà Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP đang có điều kiện thuận lợi để nhanh đến đích.

Vì, nếu kịp cập nhật thông tin này tới Ngân hàng Thế giới (WB) để phục vụ cho lần đánh giá Môi trường kinh doanh 2020 (công bố vào cuối tháng 10/2019), thì Chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam chắc sẽ không thể dừng ở thứ hạng trung bình kém (là 104/190 như Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019, công bố hồi tháng 10/2018). Mặc dù thứ hạng 104 này đã cải thiện rất đáng kể so với mức 125 cách đây 5 năm và là chỉ số có mức thăng hạng nhiều nhất, cùng với Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư trong 5 năm qua trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB, nhưng thứ hạng này không chỉ là thành tích để so sánh.

Lý do là, riêng việc đơn giản hóa quy trình thủ tục khởi sự kinh doanh đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 540.000 lượt đi lại và hơn 1 triệu giờ làm việc mỗi năm. Đây là khoản tiền thật mà doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi ngay khi các quyết định cắt giảm thủ tục, chi phí được thực hiện.

Song đây chỉ là bước nhỏ, vì mới là phần trách nhiệm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 88 chỉ số trọng tâm để cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… theo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP được giao cho 15 bộ, ngành. Nếu tất cả cùng hành động, thì phần chi phí thực giảm mà doanh nghiệp cảm nhận được sẽ rất lớn.

Khi phân tích về chi phí tuân thủ pháp luật, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra khi khởi sự không chỉ là thủ tục hành chính, lệ phí, chi phí đầu tư, mà còn là chi phí cơ hội và các khoản chi phí không chính thức khác họ phải gánh khi các quy định không rõ ràng, không minh bạch, khó thực hiện.

“Cách để cắt giảm thủ tục hành chính là bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, trùng lặp; đơn giản yêu cầu hồ sơ, giấy tờ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cắt giảm lệ phí. Nhưng điều quan trọng hơn là việc thực thi phải hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để giảm đầu mối. Khi đó, doanh nghiệp mới thực sự cảm nhận được sự cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm với các chỉ số thành phần theo Báo cáo Môi trường kinh doanh cập nhật phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đầu mối là CIEM) cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin về cải cách thể chế, quy định, thủ tục hành chính và các tài liệu kiểm chứng vào hệ thống của WB, thời hạn hoàn thành trước ngày 31/5/2019.

Bốn bộ được Thủ tướng biểu dương

Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương thời gian qua đã tích cực, chủ động và triển khai có hiệu quả giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB.

Đây là nội dung đầu tiên trong Công văn số 4366/VPCP-KSTT về việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ngày 22/5/2019 gửi thứ trưởng một số bộ, ngành, chuyển tải ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019. Bộ Tư pháp làm đầu mối cung cấp thông tin cho WB kết quả cải cách hai chỉ số này tại Việt Nam…

Khánh An

————-

Đầu tư (Doanh nghiệp0 25-5-2019:

https://baodautu.vn/doanh-nghiep-quan-tam-cat-duoc-bao-nhieu-chi-phi-d100814.html

(150/1.289)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951