(PL) – Quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đêm hôm trước đến 8h sáng hôm sau gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng khả thi không cao và gây ra những hệ lụy như nhờn luật, kinh doanh trái phép, uống cấp tập vào những khung giờ tự do và làm ảnh hưởng đến những DN kinh doanh hợp pháp.
Chiều ngày 3/6, Quốc hội xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) nói, sau phiên thảo luận ngày 23/5 của Quốc hội về dự án Luật này, trên cơ sở ý kiến tại hội trường và văn bản góp ý của các đại biểu, ban soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra là Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã bàn bạc, thống nhất nhóm nội dung gửi Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trước khi gửi đại biểu biểu quyết chọn phương án.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV ấn nút thông qua luật tại hội trường.
Theo đó, trong 3 nhóm nội dung, phương án hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ được xin ý kiến để đưa trở lại điều 5 dự thảo luật về “Các hành vi bị nghiêm cấm”.
Cụ thể, đại biểu có thể chọn phương án “bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau” hoặc “không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ”.
Khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nêu tại điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật cũng sẽ được Quốc hội lấy ý kiến đại biểu.
Hai phương án để lựa chọn bao gồm: “Quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18h đến 21h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em”; hoặc “quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 19h đến 20h hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em”.
Quy định cấm bán rượu, bia sau 22h liệu có khả thi?
Trước quy định về khung giờ được phép bán rượu, bia tại Việt Nam từ 22h hôm trước đến 8h sáng hôm sau, một số chuyên gia kinh tế, luật sư và doanh nghiệp cho rằng quy định này nếu đi vào thực tiễn sẽ “bóp chết” ngành du lịch, kìm hãm phát triển kinh tế.
Có thể thấy khung giờ cấm bán rượu bia trùng vào khung giờ “vàng” có thể gây bất tiện cho việc tiêu thụ và sử dụng đồ uống có cồn. Từ đó, hạn chế sử dụng rượu bia, góp phần phòng chống tác hại rượu bia. Đây có thể xem là biện pháp mạnh nếu được quy định trong luật.
Đặt câu hỏi về quy định này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, việc cấm bán rượu bia sau 22h liệu có kiểm soát được việc lạm dụng rượu bia hay không, có làm giảm cầu không?
Thực tế, theo kinh nghiệm quốc tế, những quốc gia có quy định cấm bán rượu, bia theo giờ đã vô tình tạo kẽ hở cho việc uống một cách vô trách nhiệm hoặc mua nhiều rượu, bia hơn trước khoảng thời gian bị cấm. Vì vậy, quy định cấm bán rượu, bia theo giờ trở nên phản tác dụng.
Nhưng theo ông Long, một điều quan trọng nữa là hiện nay, du lịch là ngành mũi nhọn của Việt Nam trong khi nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành này. Nhưng nếu bây giờ cấm cản như vậy, khách du lịch vào nước ta không được sử dụng rượu, bia trong khung giờ đó thì sẽ hạn chế ngành du lịch, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới GDP, đó là bất lợi.
Hơn nữa, liên hệ các nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Lào,… thì không hề có quy định đó, mà bây giờ cấm bán như vậy thì “bóp chết” ngành du lịch. Trong khi nước ta đang thu hút du lịch để tăng trưởng phát triển và có chiến lược phát triển lâu dài rồi mà có quy định như vậy là mâu thuẫn với chủ trương của Nhà nước”, ông Long nói.
Theo Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam, quy định cấm bán rượu bia theo khung giờ, có thể sẽ khiến người uống rượu bia càng uống nhiều hơn, cấp tập hơn vào khung giờ tự do. Mặt khác, quy định cấm cũng sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người uống sẽ tìm đến những loại rượu, bia không đạt chất lượng và sẽ dẫn dắt người bán khai thác việc kinh doanh trái phép để đáp ứng nhu cầu người mua, dẫn đến thất thu thuế và sức khỏe người tiêu dùng, các vấn đề xã hội liên quan đến những hành vi trái phép.
Hơn nữa, quy định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với các chủ DN kinh doanh hợp pháp, gây ra thiệt hại cho sự phát triển du lịch và kinh tế. Vì vậy cần được đánh giá về những hệ lụy đầy đủ và xem xét một cách toàn diện.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, làm thế nào để quản lý bán rượu bia theo đúng giờ quy định cấm là điều không dễ. Trách nhiệm thực hiện thuộc về ai, chế tài cho việc không thực hiện như thế nào phải cụ thể,… Nếu không quy định, dù vì mục tiêu tốt đến đâu chỉ nằm trên giấy mà thôi.
Khi quy định “nửa vời” không tính đến giải pháp thực hiện sẽ tạo ra tình trạng nhờn luật, nhàm luật, lách luật và hành vi bán chui lủi, bán qua mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Người sử dụng cũng có thể “ứng phó” theo cách mua nhiều, mua dự trữ, “ship” hàng qua nhà cung cấp. Mặt khác, quy định này nếu không làm tốt sẽ khiến các DN làm ăn nghiêm túc thua thiệt; tạo điều kiện cho kinh doanh trái phép.
“Trên thực tế, đã có quy định cấm bán rượu, với hình phạt khá nặng, song thực thi vẫn là câu chuyện nan giải. Vì vậy, đi kèm theo quy định, Bộ Y tế phải nêu phương án thực hiện; trong đó có sự phối hợp bộ ngành, địa phương và DN như thế nào? Tránh nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu? Việc vi phạm sẽ phát hiện và xử lý ra sao?”, ông Đức nói.
H.A (TH)
—————
Pháp luật net (Tin trong nước) 03-6-2019:
(232/1.251)