2.284. Thoái vốn Vinachem tại Cao su Sao Vàng quá nhanh gọn, kịch bản đã được dàn xếp?

(VNB) – Việc thoái vốn của Vinachem tại Cao su Sao Vàng vừa diễn ra theo một kịch bản 99,99% đã được dàn xếp.

Kết thúc phiên đấu giá hơn 4,2 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn cổ phần Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) do Vinachem sở hữu ngày 4/6, có 3 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức đã trúng đấu giá toàn bộ số cổ này bằng đúng lượng đăng ký mua với giá 46.453 đồng/cp, chỉ hơn đúng 1 đồng so với giá khởi điểm. Việc thoái vốn Vinachem tại SRC theo kết quả này đặt ra nhiều câu hỏi phía sau chuyện thoái vốn nhà nước.

Danh tính nhà đầu tư

Theo nguồn tin của của người viết, danh tính cả các nhà đầu tư cá nhân mua trọn lô cổ phần SRC do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái bao ông Nguyễn Tiến Ngọc, Phạm Ngọc Hà và Nguyễn Hồng Sơn; và nhà đầu tư tổ chức là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Việt Anh (gọi tắt là công ty Việt Anh).

Đáng chú ý, Công ty Việt Anh là thành viên của CTCP Đầu tư và phát triển Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) được thành lập hoàn toàn giống nhau. Cả hai công ty có cùng ngày thành lập 27/2/2014 tại số 18, đường Nguyễn Trường Tộ, phường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; cùng có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, cùng cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu hoàn toàn giống nhau. Chỉ khác nhau ở tên người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, Công ty Việt Anh có vốn điều lệ 500 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%); và ông Nguyễn Tiến Ngọc – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Ngọc.

CTCP Đầu tư và Phát triển Hoành Sơn có vốn điều lệ 500 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT (nắm 80% cổ phần); bà Nguyễn Thị Hằng Nga (nắm 19%); và ông Nguyễn Tiến Ngọc, Tổng giám đốc (nắm 1%). Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hoành Sơn.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Tiến Ngọc vừa đóng vai trò là nhà đầu tư cá nhân, vừa là Tổng giám đốc của Công ty Việt Anh, đồng thời cũng chính là cổ đông lớn của SRC vào cuối năm 2018 sau khi nâng tỷ lệ sở hữu “sít sao” từ 4,997% lên 5,009%. Tháng 3/2019 vừa qua, cổ đông này tiếp tục nâng sở hữu lên 6,265% vốn SRC.

Đến ngày 11/4, nhóm cổ đông có ông Ngọc của SRC thông báo đã sở hữu hơn 19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nhóm này đề cử 3 ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016 -2021 và được Hội đồng quản trị SRC thông qua.

Động thái chuyển giao quyền lực trước thềm tổ chức đấu giá cổ phiếu SRC của Vinachem được các nhà đầu tư xem như một kịch bản đã được sắp đặt trước, khiến thương vụ chào bán của Vinachem diễn ra không tạo được sự cạnh tranh. Ngay trước ngày đấu giá, một nhà đầu tư đã bất ngờ gửi đơn hủy đăng ký tham gia và rút lại gần 20 tỉ đồng tiền cọc.

Nguyên nhân được vị này đưa ra là lo ngại những lùm xùm quanh đợt thoái vốn này, đặc biệt là lo ngại việc sẽ mất quyền cử người tham gia HĐQT của SRC ngay cả khi ông trúng đấu giá, khi mà Vinachem và nhóm Hoành Sơn đã bầu mới 2 thành viên HĐQT SRC ngay ngày thoái vốn.

Đồng quan điểm với nhà đầu tư trên, ông Trần Hồng Việt, cổ đông sở hữu 4,6% cổ phiếu SRC đã gửi một số cơ quan chức năng ngày 16/5 cho rằng việc Vinachem thay thế thành viên HĐQT theo kiến nghị của nhóm cổ đông rất bất thường, bởi các thành viên HĐQT trước đó hoàn toàn không mắc lỗi gì. Trong khi đó, việc bầu thành viên mới diễn ra mà HĐQT không có bản xác định nhóm cổ đông trên nắm giữ cổ phần đủ 6 tháng như quy định hay không.

Thực tế, biểu hiện tăng giá và có khối lượng giao dịch mua bán tại cổ phiếu SRC chỉ thực sự diễn ra sôi động kể từ cuối tháng 12/2018. Từ tháng 4/2018 đến trước tháng 12/2018, cổ phiếu SRC hầu như không có giao dịch.

Cổ phiếu SRC rục rịch có thanh khoản kể từ cuối tháng 12/2018. (Nguồn: VNDirect).

Là người quan sát cuộc đấu giá trên, trao đổi với người viết, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chỉ ra 3 dấu hiệu bất thường về gia phiên đấu giá cổ phần SRC của Vinachem. Thứ nhất, giá trúng đấu giá sát giá khởi điểm; thứ hai, giá trúng đấu giá sát nhau; cuối cùng là việc khớp đúng số lượng trúng đấu giá với số lượng bán là rất đáng chú ý.

“Với những dấu hiệu đó, có quyền nghi ngờ xác suất lên đến 99,99% rằng có dấu hiệu thông đồng, bắt tay nhau trước khi phiên đấu giá diễn ra” Luật sư Đức khẳng định.

Như vậy, với việc thắng đấu giá 15% cổ phần SRC vừa qua, nhóm cổ đông mới từ Hoành Sơn có thể đã nắm trong tay hơn 34% vốn SRC và liệu tỷ lệ sở hữu này có dừng tại đây. Điều này dễ dàng hơn lúc nào hết một khi đã đạt được sự đồng thuận với những thành viên HĐQT SRC hiện nay.

Cao su Sao Vàng và bất động sản

Trong rất nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước, bất động sản vẫn giữ ngôi vương thu hút nhà đầu tư trong nước. Những người sẵn sàng mua lại công ty đang hoạt động kém cỏi trong lĩnh vực chính với mức giá cao hơn rất nhiều so với giá đang giao dịch trên sàn. Cao su Sao Vàng tiếp tục là một điển hình tương tự.

Bản công bố thông tin của Vinachem cho biết, trước thời điểm chào bán cổ phần, SRC có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn tại nhiều vị trí đắc địa.

Cụ thể, với đất trả tiền một lần, SRC có 43 m2 làm văn phòng tại quận 1, TP HCM; 2.475 m2 tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, SRC còn 212.538 m2 đất khu công nghiệp tại Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam. Đây là lô được SRC ký hợp đồng thuê với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam từ tháng 7/2016 trong thời gian 40 năm (2016 – 2056) để xây dựng nhà máy mới. Số tiền thuê đất (chưa thuế GTGT) vào khoảng 173,4 tỉ đồng.

Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu 31.643,7 m2 tại TP Thái Bình; 84.735 m2 tại 3 khu vực thuộc TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc; 2.698,8 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và 62.438 m2 đất tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài ra, còn 124,26 m2 đất đặt trạm bơm được SRC sử dụng từ năm 1960, nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất.

Trở lại với nhóm nhà đầu tư Hoành Sơn Group, mối liên hệ giữa Cao su Sao Vàng và Hoành Sơn Group đã xuất hiện từ trước.

Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn được thành lập vào tháng 6/2016. Trong đó, SRC góp 26% vốn, Tập đoàn Hoành Sơn góp 44,59% và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát góp 29,41%. Số tiền góp vốn được Tập đoàn Hoành Sơn cho SRC vay với lãi suất 0%/năm, thời gian 36 tháng. Hết thời hạn vay, SRC sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho Tập đoàn Hoành Sơn.

Công ty TNHH Sao Vàng Hoành Sơn là đơn vị triển khai thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn trên khu đất 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong báo cáo thẩm định giá xác định giá thoái vốn, do mặt bằng thuê đất tại khu Nguyễn Trãi sẽ được Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn toàn quyền quản lý và sử dụng thực hiện dự án nên thẩm định viên chỉ xác định giá trị quyền sử dụng đất thuê và công trình trên đất tương ứng số tiền hỗ trợ từ Hoành Sơn Group là 435 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, mức giá mà Hoành Sơn Group hỗ trợ chỉ tương ứng số tiền đối tác trả cho SRC để có quyền thực hiện dự án chỉ 6,97 triệu đồng/m2, thấp hơn 40% so với đề xuất của 2 công ty bất động sản khác vào năm 2012.

Nguyên Trực

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

——————

VietnamBiz (Doanh nghiệp) 06-6-2019:

https://vietnambiz.vn/thoai-von-vinachem-tai-cao-su-sao-vang-qua-nhanh-gon-kich-ban-da-duoc-dan-xep-20190606101949864.htm

(114/1.585)

 

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951