2.287. Khi ngân hàng … gặp cướp

(ĐTCK) – Trong thời gian vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng, gây không ít hoang mang trong dư luận. Trả lời người dân về việc này, Bộ Công an cho biết, đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Cướp ngân hàng gia tăng

Kể từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng, với hành vi ngày càng manh động, táo tợn. Các đối tượng không chỉ dùng dao, súng, thậm chí còn chế tạo cả bom, mìn và sẵn sàng tấn công khi bị chống trả.

Chẳng hạn, ngày 13/9/2018, một kẻ bịt mặt đã xông vào Phòng giao dịch VietinBank Châu Thành (xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), cướp đi gần 1 tỷ đồng. Trước đó, ngày 5/9/2018, tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hai đối tượng mang súng tự chế, bịt kín mặt tấn công Phòng giao dịch Vietcombank. Sau khi dùng súng uy hiếp nhân viên và khách hàng, các nghi phạm đã cướp đi 4,5 tỷ đồng… Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc phát hiện 6 vụ cướp ngân hàng.

Trong 4 vụ cướp điển hình xảy trong năm 2018 kể trên thì 3 vụ rơi vào các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Nhà nước kiểm soát và sở hữu vốn trên 50%), gồm: VietinBank, Vietcombank và Agribank. Nếu như cả 3 vụ tại ngân hàng thương mại nhà nước, kẻ cướp đều uy hiếp được bảo vệ, lấy tiền đi trót lọt, thì trong vụ cướp tại PVComBank, bảo vệ của nhà băng này đã khá nhanh trí phản kháng được. Dù tên cướp rút súng và dao ra uy hiếp, nhưng bảo vệ của nhà băng đã nhanh chóng áp sát khiến đối tượng phải bỏ chạy và sau đó lực lượng công an đã truy bắt thành công.

Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra các vụ án trên cho thấy, trước khi thực hiện các vụ cướp, các đối tượng thường nghiên cứu, tìm hiểu về quy luật và những sơ hở trong công tác bảo vệ, giao dịch của các trụ sở mục tiêu. Khi tội phạm thực hiện thường chỉ có từ 1 – 2 đối tượng, di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung, đã bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, các nhân viên ngân hàng rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát.

Gần đây nhất là vụ cướp tại VietABank xảy ra vào ngày 7/12/2018 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 7/12/2018, trong lúc cán bộ nhân viên ngân hàng tại Phòng giao dịch Bà Chiểu của VietABank, địa chỉ 127K Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM đang thực hiện các công việc giao dịch, bất ngờ xuất hiện hai kẻ cướp có vũ trang xông vào uy hiếp, khống chế và cướp đi khoảng 1 tỷ đồng rồi nhanh chóng tẩu thoát. Theo phía VietABank, vụ việc không xảy ra thiệt hại về người.

Khi gây án, đối tượng thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay, thực hiện hành vi phạm tội rồi tẩu thoát khỏi hiện trường rất nhanh, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng này thường không lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng, hoặc hệ thống báo động không có tác dụng, nhân viên không tiếp cận được khi đối tượng đe dọa, khống chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.

Tội phạm ngân hàng có thể là cướp hoặc tội phạm công nghệ cao

Trước những vụ cướp liên tục xảy ra, Bộ Công an đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cần có hệ thống camera giám sát cả bố trí công khai và bí mật, có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch. Đồng thời, các video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng.

Ngoài ra, các phòng giao dịch cũng nên lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an sở tại gần nhất và được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.

Đối với người dân, Bộ Công an cũng khuyến cáo, trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng. Đồng thời, khách hàng cần chú ý quá trình bảo vệ tài sản, tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại, nhất là vào những khung thời gian, đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại và ngay tại thời điểm vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng.

Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn, các vụ án liên quan đến tội phạm cướp ngân hàng trên các phương tiện thông tin, báo chí để hạn chế những sơ suất để tội phạm khai thác và có giải pháp tự bảo vệ bản thân.

Ngân hàng nên làm gì để hạn chế?

Cướp ngân hàng lâu nay được thể hiện sinh động qua các bộ phim và nhiều người vẫn nghĩ rằng, nó chỉ diễn ra ở một đất nước xa xôi nào đó. Nhưng thực tế, các vụ cướp ngân hàng đã không ít lần xảy ra trong thời gian qua và có thể xuất hiện ngay trên địa bàn chúng ta đang sinh sống, thậm chí với chính chúng ta.

Bởi theo các nhà phân tích, quy luật phát triển của xã hội, tội phạm ngành ngân hàng sẽ phát triển theo sự vận động phát triển của lĩnh vực ngân hàng và ở Việt Nam trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc bị mất tiền trong tài khoản, cướp ngân hàng. Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay rất đa dạng. Đó có thể là tội phạm sử dụng vũ lực, sử dụng thủ đoạn lừa đảo hoặc sử dụng công nghệ cao và cướp tiền.

Để tăng cường tính an toàn, các ngân hàng cần trang bị hệ thống báo động kết nối với số điện thoại của các cơ quan công an gần nhất. Khi gặp cướp, giao dịch viên có thể nhấn nút báo động khẩn cấp để được hỗ trợ. Hiện nay, có ngân hàng còn tổ chức các khóa học kỹ năng võ thuật để tăng cường khả năng tự vệ cho nhân viên. Tuy nhiên, kẻ cướp luôn hành động quyết đoán và thường rất tàn độc. Do đó, việc coi tính mạng, sức khỏe của mình là sự ưu tiên hàng đầu để bảo vệ là điều mà các chuyên gia an ninh khuyến cáo.

Theo luật sư Trần Minh Hải, không có một quy định pháp luật nào bắt buộc nhân viên phải có hành động chống trả hay ngăn chặn những tên cướp. Cũng không có chế tài nào trừng phạt giao dịch viên vì bị đe dọa mà bất động, để những tên cướp chiếm đoạt tiền bạc của ngân hàng. Còn trường hợp giao dịch viên buộc phải hợp tác theo yêu cầu của kẻ cướp? Kẻ cướp chĩa súng bắt giao dịch viên phải mở két lấy tiền giao cho chúng.

Vậy việc giao dịch viên mở két lấy tiền đưa cho kẻ cướp sẽ được pháp luật nhìn nhận như thế nào? Đây là tình thế cấp thiết. Theo luật định, đó là tình thế bất đắc dĩ của một người phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc của người khác.

Pháp luật cũng xác định việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại. Sau khi đã rõ những giới hạn pháp lý, nhân viên ngân hàng có thể đã yên tâm hơn khi lựa chọn nguyên tắc bất động khi gặp cướp. Trước hết, hãy làm theo yêu cầu của tên cướp để bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, cần tránh hành vi có thể gây kích động cho kẻ cướp như chống cự lại. Việc cố nói cho khách hàng biết mình đang bị cướp hoặc kích hoạt hệ thống báo động, chạy ra khỏi ngân hàng… đều là những hành vi có thể gây kích động kẻ cướp. Đồng thời, cần ghi nhớ những diễn biến của vụ việc và ngay sau khi vụ cướp xảy ra hãy lập báo cáo, tường trình lại sự việc rõ ràng với cơ quan có thẩm quyền và lãnh đạo ngân hàng.

Trước nhiều vụ cướp tấn công ngân hàng xảy ra trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng cường nhiều giải pháp phòng chống tội phạm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các biện pháp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là cướp đã được các ngân hàng triển khai từ nhiều năm nay.

Lắp đặt camera, chuông báo động kết nối với công an, bảo vệ vòng trong và vòng ngoài ngân hàng, thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng đối với lực lượng bảo vệ… Thế nhưng, thực tế khi xảy ra cướp thì việc xử lý như thế nào là điều quan trọng nhất.

Việc bấm chuông thông báo cho cơ quan công an hỗ trợ ngay lập tức cần hết sức thận trọng, cũng như việc đội ngũ bảo vệ phản ứng ra sao để kẻ cướp không manh động là điều cần tính toán. Theo ông Đức, quy định hiện nay một số điểm giao dịch không được tồn quỹ nhiều mà phải chuyển về kho an toàn hơn, điều này không những tránh trộm cướp mà cả nguy cơ biển thủ tiền bạc của cán bộ nhà băng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cướp xảy ra liên tục gần đây, các ngân hàng chỉ có thể tăng cường bảo vệ, chứ khó có thể ngăn chặn cướp vì phụ thuộc vào nhiều vấn đề, đặc biệt là trật tự an ninh xã hội.

TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, khi tội phạm có kế hoạch tấn công thì khó có thể phòng chống được. Cướp là tội phạm hình sự nên hành vi này cần xử lý nghiêm và nặng để mang tính răn đe. Hơn nữa, một trong những cách phòng chống là tập trung tuyên truyền đúng đối tượng. Cùng với đó, theo ông Tín, lực lượng bảo vệ ngân hàng đang bị hạn chế về công cụ hỗ trợ. Đồng thời, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch còn sử dụng cả người cao tuổi cho nhiệm vụ bảo vệ, nên rất dễ trở thành mục tiêu của tội phạm.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sau khi xảy ra các vụ cướp, các ngân hàng đã tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị an toàn tại nơi giao dịch như hệ thống camera, các hệ thống báo động, nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực khác có liên quan.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo hệ thống thiết bị cảnh báo hoạt động hiệu quả, đặc biệt là hệ thống camera quan sát khu vực giao dịch tiền mặt, khu vực trước cửa, sảnh trụ sở của đơn vị; rà soát việc thiết kế, bố trí quầy giao dịch, vách kính, cửa ra vào quầy giao dịch đảm bảo việc ngăn chặn khả năng cướp hoặc đột nhập quầy giao dịch.

Cũng theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cần tăng cường công tác giám sát, bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch; nhân viên bảo vệ phải có sức khỏe, nghiệp vụ để xử lý kịp thời các tình huống, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức.

Thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ ngân hàng. Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị như: công tác kiểm kê cuối ngày, công tác vận chuyển tiền, tiếp quỹ đảm bảo an toàn, bí mật, tránh việc kẻ gian theo dõi quy luật hoạt động của ngân hàng để gây án.

Theo Trần Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

————————

Đầu tư Chứng khoán (Tiền tệ) 10-6-2019:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/khi-ngan-hang-gap-cuop-268397.html

(239/2.326)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951