(GT) – Trong nhiều trường hợp, không loại trừ nhân viên ngân hàng cấu kết với kẻ lừa đảo cố ý làm trái, phạm pháp.
Ông Cần, bà Thu lo lắng vì bị thông báo phát mại ngôi nhà đang ở |
Mang sổ đỏ thế chấp để vay mượn vài trăm triệu đồng, sau một thời gian, nhiều gia đình ở Yên Viên, Hà Nội ngã ngửa nhận được thông báo ngôi nhà đã bị ngân hàng kê biên, phát mãi. Chỉ đến khi đó, người dân mới hay, đối tượng cho vay tiền đã mang sổ đỏ của họ thế chấp ngân hàng vay vốn rồi “cao chạy xa bay”.
Những trường hợp điêu đứng, tan cửa nát nhà vì dính bẫy lừa đảo như trên thời gian vừa qua nhiều vô kể, tại khắp các địa phương trong cả nước. Rất nhiều trong số các nạn nhân là dân nghèo, khốn khó, đời sống càng trở nên bi kịch khi mất đi “tấc đất cắm dùi”. Thậm chí, có gia đình tại Đắk Lắk, vì cùng quẫn, cả hai vợ chồng đã lần lượt chọn cách kết liễu cuộc đời.
Để rơi vào tình cảnh như vậy, lỗi trước hết của chính người đi vay. Có trường hợp vì thiếu hiểu biết, cũng có trường hợp để vay được tiền, người dân nhắm mắt ký bừa vào các văn bản, giấy tờ bên cho vay đưa ra, trong đó có nội dung đồng ý ủy quyền cho “cò” dùng sổ đỏ của mình để thế chấp vay tiền, tài sản. Điều đó cũng có nghĩa, người đi vay đã đồng ý cho bên nhận thế chấp quyền định đoạt tài sản của mình có điều kiện.
Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo này sẽ không thể “thành công” nếu các bên liên quan thực thi đúng, đủ trách nhiệm. Cụ thể, với những hồ sơ nhận thế chấp tài sản, cho vay vốn, nhân viên ngân hàng phải xác minh nguồn gốc tài sản, lý do vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay… Thế nhưng cũng “nhắm mắt” cho vay thì phải nhắc đến trách nhiệm của nhân viên, của ngân hàng. Trong nhiều trường hợp không loại trừ nhân viên ngân hàng cấu kết với đối tượng lừa đảo cố ý làm trái, vi phạm pháp luật.
Đơn vị công chứng cũng không thể vô can! Liên quan đến hợp đồng mua bán, thế chấp tài sản trị giá cả trăm triệu, có khi lên đến nhiều tỷ đồng, nhân viên công chứng phải giải thích cho người dân cơ sở pháp luật, những thứ “được và mất” khi mang tài sản đi thế chấp. Nhưng trên thực tế, nhiều nhân viên, đơn vị công chứng cũng “nhắm mắt đóng dấu”, không loại trừ cố ý làm trái, câu kết với đối tượng lừa đảo.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, trong một số vụ việc, có thể có căn cứ để xem xét tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu như: Người dân có tài sản thế chấp nhầm lẫn; hoặc bị lừa dối; hoặc bị đe dọa cưỡng bức; hoặc không đủ năng lực hành vi…
Theo quan sát của luật sư Đức, thời gian qua có tới hàng nghìn, hàng vạn vụ việc đối tượng gom sổ đỏ của người dân thế chấp ngân hàng vay vốn, để rồi người dân phải gánh nợ thay. Một số đối tượng lừa đảo bị bắt giữ, bị pháp luật xử lý. Thế nhưng, chưa hợp đồng thế chấp nào bị tuyên vô hiệu. Ngân hàng luôn “nắm đằng chuôi”, công chứng cũng vô can.
Do vậy, theo chuyên gia luật, cơ quan chức năng cần xem xét điều tra tới nơi tới chốn một số vụ việc điển hình, xem xét trách nhiệm của ngân hàng, công chứng, có thể tuyên hợp đồng vô hiệu, xử lý nghiêm những nhân viên thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái. Có như vậy, mới góp phần ngăn ngừa những vụ việc tương tự, góp phần bảo vệ người dân yếm thế khỏi nguy cơ tan cửa nát nhà, rơi vào bi kịch đau xót chỉ vì thiếu hiểu biết!
——————
Giao thông (Thời sự – Xã hội) 21-8-2018:
http://www.baogiaothong.vn/ngan-hang-va-cong-chung-khong-vo-can-d268993.html
(229/726)