2.288. Siết cho vay tiền mặt, công ty tài chính gặp khó!

(ĐTCK) – Việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến siết chặt hoạt động cho vay tiền mặt của các công ty tài chính (CTTC) đang nhận được sự quan tâm lớn của thị trường và được đánh giá là có tác động lớn tới hoạt động của các CTTC.

Cái lý của cơ quan quản lý

Hiện nay, nhu cầu vay tiền rất lớn từ những người thu nhập thấp, thu nhập không ổn định, những người không có tài khoản ngân hàng giúp dư nợ của hình thức giải ngân trực tiếp có mức tăng trưởng nhanh. Khách hàng cần vay tiêu dùng bằng tiền mặt sử dụng cho các mục đích cấp bách, hoặc mang tính thời vụ là các cá nhân, hộ gia đình.

Họ là những khách hàng không đủ điều kiện để vay tại ngân hàng, hoặc cũng chưa bao giờ vay các ngân hàng, nhưng luôn cần có tiền mặt để sử dụng tức thì. Đây chính là phân khúc tín dụng của các CTTC nhắm đến để giải ngân.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo theo hướng siết hoạt động cho vay tiền mặt của các CTTC.

Theo đó, Dự thảo chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành hai loại, cho vay giải ngân gián tiếp (qua bên bán hàng) và cho vay giải ngân trực tiếp cho người vay. Theo Dự thảo, CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp với khách hàng vay có lịch sử trả nợ tốt, không có nợ xấu theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC) khi ký hợp đồng và tỷ trọng cho vay tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ cho vay của các CTTC.

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy, để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại CTTC và có lịch sử trả nợ tốt, cũng như có quy định về trần cho vay ở mức 30%.

Nếu quy định như Dự thảo được ban hành, con đường phát triển cho vay tiền mặt tiêu dùng của các CTTC – vốn được xem là béo bở nhất sẽ bị chặn bớt, nhất là với các CTTC vừa tham gia thị trường như Viet Credit, Easy Credit, SHB Finance… nhắm đến mảng cho vay tiền mặt để sớm chiếm lĩnh được thị phần.

Theo đánh giá của CTCK TP.HCM (HSC), siết cho vay tiền mặt sẽ đồng nghĩa các CTTC không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng không có thông tin tín dụng, điều này sẽ khiến doanh thu của các CTTC có thể ảnh hưởng lớn.

HSC cho rằng, những CTTC lớn trên thị trường đều đang có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao hơn tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước giới hạn trong Dự thảo thông tư mới. Tỷ lệ cho vay tiền mặt cao nhất, theo tính toán của HSC thuộc về FE Credit với khoảng 80%. Hai công ty giữ thị phần đứng sau là HD Saison và Home Credit có tỷ lệ lần lượt khoảng 40% và 50%.

Ngoài ra, các CTTC này cũng thường có một tỷ lệ khách hàng vay tiền mặt là người mới vay lần đầu, điều mà dự thảo đề xuất cấm.

HSC nhận định, mức tăng trưởng tín dụng năm nay cho nhóm CTTC có thể chỉ khoảng 12%, với FE Credit khoảng 10% còn HD Saison, Home Credit khoảng 15%.

Sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh, thực tế, cũng bộc lộ từ năm 2018 với những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. Năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng cơ quan điều hành dành cho 3 CTTC lớn nhất nói trên khoảng 26%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tăng trưởng thực tế chưa tới 17%. Cụ thể, FE Credit tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 18,9% so với hạn mức được cấp khoảng 20%, trong khi HD Saison, Home Credit chỉ tăng tín dụng chưa tới 13% so với hạn mức khoảng 35% được cấp.

Cho vay tiền mặt của FE Credit vẫn tăng mạnh trong quý I/2019, ghi nhận tổng số hợp đồng vay và giải ngân tăng đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được đóng góp bởi 55% tăng trưởng trên số hợp đồng vay tiền mặt theo hình thức bán chéo và bán thêm cho khách hàng hiện tại.

Hoạt động của các CTTC được đánh giá trở thành “cánh tay nối dài” cho các ngân hàng khi tiếp cận được những khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn chính thức và ở nhiều vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Dự thảo trên được cho là sẽ giới hạn sự phát triển của các CTCT, trong khi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là đẩy lùi tín dụng “đen”.

Ý kiến trái chiều

Các CTTC cho rằng, điều người dân cần nhất là cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét làm sao chốt khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC phù hợp, tránh mức lãi suất cho vay quá cao để gần như tín dụng “đen”, chứ không nên siết cho vay tiền mặt.

Theo các CTTC, việc siết cho vay tiền mặt của CTTC là hạn chế phát triển tài chính vi mô. Ngoài vay mua hàng hóa trả góp như mua xe máy, mua điện thoại…, khách hàng cần vay tiêu dùng là các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ với khoản vay phổ biến 5 – 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng. Khoản vay đó có thể để làm vốn lưu động trong buôn bán hay sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ, nhưng họ không đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Vì vậy, các khách hàng này cũng có nhu cầu vay tiền mặt trực tiếp.

Ngoài ra, việc yêu cầu chỉ cho vay tiền mặt với khách hàng cũ, cũng gây khó khăn cho người vay. Bởi người có nhu cầu vay tín dụng đen thường chưa bao giờ đi vay tại các ngân hàng hay CTTC trước đó.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Dự thảo này đã có những điểm khá tích cực, nhằm lành mạnh hóa thị trường cho vay tiêu dùng, như quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng; quy định chặt chẽ các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ nhằm hạn chế một số hành động đòi nợ bất hợp lý…

Tuy nhiên, theo ông Đức, quy định siết chặt việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng sẽ có tác động mạnh đến CTTC và hạn chế quyền lựa chọn của khách hàng.

“Chúng ta không thể phủ nhận thực tế thị trường hiện nay là đại bộ phận người dân vẫn quen tiêu dùng bằng tiền mặt và nhiều khoản tiêu dùng không có chứng từ, hóa đơn, các khoản chi tiêu nhỏ như ăn uống, du lịch, mua quần áo tại các cửa hàng nhỏ… Vì thế, việc thắt chặt giải ngân trực tiếp cho khách hàng cũng sẽ hạn chế quyền lựa chọn tiêu dùng của nhiều khách hàng và cản trở sự tiếp cận vốn vay của khách hàng từ các CTTC. Từ đó, khách hàng sẽ quay lưng lại với tài chính tiêu dùng, tìm đến những nơi cho vay không chính thống. Điều này vô hình trung sẽ tạo điều kiện cho tín dụng đen phát triển”, ông Đức cho biết.

Với quy định tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC, ông Đức cho rằng, đối với các CTTC có số lượng khách hàng còn ít, dư nợ còn rất nhỏ, các công ty mới hoạt động, thì sự khống chế này gần như đồng nghĩa với việc không được giải ngân trực tiếp cho khách hàng.

Ông Đức kiến nghị, cơ quan chức năng nên xem xét và tham khảo kinh nghiệm trên thế giới quản lý hoạt động cho vay tiền mặt thông qua yêu cầu về quản lý rủi ro, minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay vì đưa ra một điều kiện giải ngân cụ thể bằng tiền mặt. Đặc biệt, cần lưu ý đến việc tạo điều kiện phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là nước ngoài đầu tư vào các CTTC.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính – ngân hàng đưa ra nhận định, việc cho vay trực tiếp bằng tiền mặt đến khách hàng luôn tiềm ẩn rủi ro cao do các tổ chức cho vay và rất khó kiểm soát việc sử dụng vốn vay của khách hàng có đúng mục đích vay vốn không. Trong thời gian qua, các CTTC từng bước mở rộng thị phần tại phân khúc cho vay tiêu dùng, coi đây như là công cụ để cạnh tranh. Vì thế, việc giải ngân bằng tiền mặt không chỉ dừng lại ở các món vay nhỏ, lẻ, mà một số công ty còn cho vay bằng tiền mặt đến hàng trăm triệu đồng. Do đó, để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững hơn, việc quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ là cần thiết, đi đôi với tăng cường giám sát của Ngân hàng Nhà nước và kiểm tra, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay, nhằm hạn chế nợ xấu từ hoạt động này.

Theo bà Mùi, đến nay, chưa có con số thống kê nợ xấu của riêng hoạt động cho vay bằng tiền mặt, nhưng một thực tế là nợ xấu của các CTTC đang gia tăng, tình trạng đòi nợ “kiểu xã hội đen” của một số nhân viên các CTTC thời gian qua đủ thấy cấp thiết phải chấn chỉnh hoạt động tín dụng này theo hướng lành mạnh, hiệu quả, mà việc quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ là một giải pháp cần thiết.

Bước đầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các CTTC có tỷ lệ cho vay bằng tiền mặt rất cao, nhưng không mâu thuẫn với chủ trương chống tín dụng đen của Ngân hàng Nhà nước, quy định này chỉ nhằm lành mạnh hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện nay.

Theo Phương Minh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

——————-

Đầu tư Chứng khoán (Tư vấn tài chính) 13-6-2019:

https://tinnhanhchungkhoan.vn/tu-van-tai-chinh/siet-cho-vay-tien-mat-cong-ty-tai-chinh-gap-kho-269108.html

(409/1.885)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951