2.292. Hai mặt của một “lưỡi dao” trong vụ áp thuế inox cán nguội lên 37%

(VNE) – Việc áp thuế bảo hộ thép cán nguội không gỉ (inox cán nguội) hàng chục năm nay đang giống như một con dao hai lưỡi, nhưng lưỡi sắc nhọn nhất lại đang quay lại cứa vào doanh nghiệp Việt…

Inox cán nguội đang được bảo hộ với việc dựng hàng rào thuế quan cao

Bộ Công Thương đã công bố quyết định về kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội năm 2018. Với động thái này, nhà chức trách tiếp tục dựng hàng rào thuế cao đối với inox cán nguội vào Việt Nam sau khi chính thức áp thuế tự vệ năm 2014.

Bảo hộ inox cán nguội, doanh nghiệp Việt lao đao

Hiện mức thuế đối với các nhà sản xuất từ Trung Quốc vẫn là 25,35%; riêng nhà sản xuất Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. (STSS) được áp thuế suất 17,47%. Đối với các nhà sản xuất từ Indonesia mức thuế suất giữ nguyên 13,03%.

Inox cán nguội từ Malaysia tiếp tục bị áp thuế suất 9,31%; Đài Loan chịu chung thuế suất 13,79%; riêng Yuan Long Stainless Steel Corp chịu thuế suất 37,29%.

Thuế tự vệ thương mại cũng giống như một con dao hai lưỡi, ở trường hợp inox cán nguội, một lưỡi là để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước, còn lưỡi còn lại gây sát thương cho doanh nghiệp nội.

Theo ghi nhận thực tế, thị trường inox cán nguội sau khi áp thuế đã nằm trong tay một vài doanh nghiệp, trong đó chiếm áp đảo thị phần là Posco VST (100% vốn Hàn Quốc). Doanh nghiệp sản xuất trong nước lại lao đao do nguồn nguyên liệu inox cán nguội sau áp thuế tăng giá từ 15-20%, không có lựa chọn khác. Áp đảo thị trường nhưng Posco VST báo lỗ nhiều năm liền, điển hình năm 2012 lỗ tới 580 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 202 tỷ,…

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho biết, ngay sau khi áp thuế tự vệ, giá inox nguyên liệu đầu vào đã tăng 20%. Và khoản tăng này được cộng ngay vào giá thành sản phẩm khiến cho sản phẩm làm ra không để cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại từ Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan khi các hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực thuế sản phẩm sẽ về 0%.

“Trong nước, Posco VST là doanh nghiệp áp đảo thị phần inox cán nguội cung cấp cho các ngành sản xuất, chúng tôi buộc phải nhập từ họ sau khi hàng rào thuế được dựng lên. Có một thực tế là chúng ta đang đánh thuế rất mạnh vào nguyên liệu sản xuất nhưng lại mở toang cửa cho sản phẩm nước ngoài khi các FTA có hiệu lực và thuế về 0%. Chúng tôi đã phải đóng cửa toàn bộ việc sản xuất các chậu rửa inox vì chi phí nguyên liệu đã chiếm hơn 80% giá thành”, vị lãnh đạo cho hay.

Trong một văn bản gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại và Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) mới đây, Tập đoàn Sunhouse đã cho biết mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn và thường mua qua các công ty thương mại trong nước như Posco, Bông sen vàng, Hoàng Anh…

“Từ khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, các mặt hàng inox cuộn bị tăng giá khoảng 15-25% dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng. Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2018, thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc – đất nước có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng gia dụng và giá thành sản xuất rẻ thì chỉ có 0%.

Việc này dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, vô hình chung giết chết các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động”, công ty này nhấn mạnh.

Phải cho thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp được quyền lựa chọn

Trao đổi với VnEconomy, vị CEO doanh nghiệp trong ngành thép trên cho biết, không có chuyện ngành inox cán nguội đang thừa cung. Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng hiện nay, nhu cầu thép không gỉ dùng trong công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo, gia dụng, công nghệ cao, bất động sản…rất lớn. Đặc biệt, với 12 FTA Việt Nam đã và đang đàm phán hiện nay thì thị trường của mặt hàng này còn được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác hàng tỷ dân.

“Cứ nói doanh nghiệp phải lớn nhưng nếu áp thuế vào nguyên liệu sản xuất trong khi thuế sản phẩm nhập vào Việt Nam về 0% thì không khác nào bóp ngạt doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bảo hộ trong một thời gian để doanh nghiệp phát triển chứ không phải bảo hộ kéo dài để dung túng cho các doanh nghiệp không chịu lớn. Chúng tôi muốn thị trường inox không còn độc quyền, bị chi phối bởi một doanh nghiệp mà muốn có vài ba doanh nghiệp để được lựa chọn nguồn nguyên liệu giá rẻ. Do đó, nhà chức trách cần xem xét cấp phép các dự án đầu tư mới và rà soát lại việc áp thuế bảo hộ”, vị lãnh đạo cho hay.

Về việc áp thuế cao với inox cán nguội, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng đó là một “con dao hai lưỡi”, nếu không cẩn thận, thì trở thành lợi bất cập hại, thua thiệt cho sản xuất trong nước nhiều hơn là được.

Riêng đối với inox nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có 3 lần áp thuế chống phá giá và từ năm 2004 đến nay, inox nhập khẩu bị áp thuế từ với nhiều mức khác nhau, từ 3,07 cho đến 37,29%.

“Hiện nay, đang diễn ra nghịch lý là, hàng trăm doanh nghiệp sử dụng inox để sản xuất gần như không có sự lựa chọn trong việc nhập khẩu inox, mà phải mua của nhà sản xuất độc quyền trong nước. Đương nhiên xảy ra tình trạng giá cả tăng cao vì không có sự cạnh tranh”, ông Đức nói.

Ở khía cạnh pháp luật, ông Đức phân tích việc áp thuế chống bán phá giá nhằm phòng tránh thì có nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước như chính mô tả tại khoản 2, Điều 69 về “Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước”, Luật Quản lý ngoại thương, gây ra tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước và tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước.

Đặc biệt sự bất hợp lý ở chỗ, đồng thời xảy tra sự đối ngược, trong khi inox là nguyên liệu để sản xuất hiện nay đang bị áp thuế nhập khẩu từ 6,64% – 37,29% thì sắp tới, hàng hóa bằng inox lại được hưởng thuế suất thấp. Cụ thể là thuế nhập khẩu đổi với một số hàng hóa bằng inox như chậu rửa, bồn rửa, bồn tắm từ năm 2020 trở đi chỉ có 5% theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2018-2022”.

Việc áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm inox đã kéo dài gần 5 năm nay, do nhiều doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng nên xem xét lại quyết định trong đợt rà soát định kỳ sắp tới của Bộ Công Thương.

Bạch Huệ

————–

Thời báo Kinh tế VN (Thị trưởng) 18-6-2019:

http://vneconomy.vn/hai-mat-cua-mot-luoi-dao-trong-vu-ap-thue-inox-can-nguoi-len-37-20190618092837633.htm

(418/1.399)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951