(VOVGT) – Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định cần xác định rõ sự tham gia của từng công đoạn trong chuỗi kinh doanh vận tải để đề ra chính sách phù hợp.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Như bài viết trước đã đề cập, dù đã qua nhiều lần chỉnh sửa, nhiều chuyên gia góp ý, song dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ GTVT vừa trình Chính phủ vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp và giới chuyên gia.
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định cần xác định rõ sự tham gia của từng công đoạn trong chuỗi kinh doanh vận tải để đề ra chính sách phù hợp.
Dự thảo Nghị định cần xác định rõ sự tham gia của từng công đoạn trong chuỗi kinh doanh vận tải để đề ra chính sách phù hợp
Đề cập giải pháp quản lý xe hợp đồng điện tử, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, trước hết cần xây dựng bộ nhận diện chuẩn mực, từ sự nhận diện này mới xây dựng cơ chế quản lý loại hình này một cách phù hợp.
Theo ông Hùng, bản thân ứng dụng Grab cũng tự định danh là Grabtaxi và nhiều chuyên gia cũng khẳng định bản chất của loại hình này là taxi nên cần quy định loại hình này như taxi:
“Vào ứng dụng Grab là nó hiện Grabtaxi thì tại sao chúng ta lại phải đặt tên khác. Như thế, nó sẽ công bằng, khách quan, tuân thủ pháp luật. Trong 5 loại hình vận tải nó không thuộc, trong khi bản chất nó là taxi”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, đã vận tải hành khách dưới 9 chỗ trong đô thị cần được coi như taxi. Tuy vậy, do loại hình này có ứng dụng phần mềm đặt xe nên không nhất thiết phải quy định các điều kiện như taxi truyền thống mà cần xóa bớt những điều kiện bất hợp lý với taxi truyền thống.
Ông Thanh nhấn mạnh:
“Tôi đơn cử, việc kiểm định đồng hồ tính cước, giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm, tôi phát hiện anh ăn gian, dừng, thu hồi giấy phép kinh doanh ngay. Chứ đằng này bắt định kỳ đi kiểm định đồng hồ, tốn kém lắm, một doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng chứ không phải ít, mà rất dễ nảy sinh tiêu cực trong này”.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, dự thảo Nghị định 86 do Bộ GTVT soạn thảo còn nhiều ràng buộc với taxi truyền thống cần bãi bỏ chứ không nên kéo các điều kiện của taxi công nghệ tương đồng với taxi truyền thống.
Đồng tình quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cũng cho rằng, những xe chia sẻ, xe ứng dụng công nghệ để kết nối là xu thế tất yếu.
Tuy vậy, theo ông Đức, khi không phải doanh nghiệp vận tải thuần túy, nên cần đặt cho nó một số điều kiện, nhưng cũng không thể áp dụng giống như doanh nghiệp kinh doanh vận tải chuyên nghiệp.
“Bao giờ cũng phải phân biệt anh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, cũng giống như doanh nghiệp thì kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng cá nhân, hộ kinh doanh thì các điều kiện nó rất nhẹ nhàng, rất đơn giản thì mới phù hợp với tình hình thực tế. Còn những quy định hiện nay thì gần như là đánh đồng, không công nhận mô hình kinh doanh mới”.
Dự thảo Nghị định 86 hiện nay có sự lúng túng khi quy định taxi và taxi điện tử. Ảnh: Tri thức trẻ
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, dự thảo Nghị định 86 hiện nay có sự lúng túng khi quy định taxi và taxi điện tử vì chưa xuất phát từ bản chất thực tế và chưa xuất phát từ tính chất của các hoạt động để có sự phân biệt các loại hình này.
Do vậy, nếu được thực thi sẽ không xử lý được gốc rễ của vấn đề hiện nay là sự xuất hiện của ứng dụng công nghệ vào các hoạt động kinh doanh vận tải. Bởi khi ứng dụng công nghệ thông tin thì hoạt động kinh doanh được phân hóa rất sâu sắc, khác hẳn với cách kinh doanh truyền thống.
Ông Phan Đức Hiếu phân tích, khi một cá nhân có nhu cầu kinh doanh, có thể mua xe, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm để kinh doanh xe, nhưng cũng có người muốn trực tiếp tham gia vào chuỗi kinh doanh đó, nhưng chỉ điều hành phần mềm, thực hiện dịch vụ kết nối giữa hành khách và lái xe chứ họ không chịu trách nhiệm về xe, về người lao động. Như thế, sự phân hóa rất chuyên nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu phân tích:
“Tôi lấy ví dụ đơn thuần một công ty viết ra phần mềm thì theo tôi, họ sẽ thực hiện theo các hoạt động của Luật an toàn thông tin, Luật thương mại điện tử. Rồi một đơn vị đơn thuần chỉ sử dụng ứng dụng để kết nối hoạt động kinh doanh, rõ ràng theo tôi trong trường hợp này nếu cần thiết phải quản lý thì điều kiện nó phải tương xứng chứ không thể áp đặt cả một hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải vào dịch vụ kinh doanh này.
Một số ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần này phải tính đến từng mô hình kinh doanh cụ thể để có những quy định hợp lý, để không cản trợ sự kết nối, hợp tác trong kinh doanh, nhưng cũng tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp truyền kinh doanh theo mô hình truyền thống.
Quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào? Vì sao vẫn phân định 2 loại hình taxi điện tử và xe hợp đồng điện tử… những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục bàn thảo trong chương trình Diễn đàn giao thông, phát sóng trực tiếp vào lúc 16h-17h thứ 7, ngày 25/8 tới.
Tác giả: Quách Đồng – Kênh VOV Giao thông
——————
VOV GT (Tin tức) 24-8-2018:
(145/1.141)