2.295. Quản lý thuế không thể thiếu vai trò của ngân hàng

(TBTC) – Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý thuế, trong đó có vai trò của ngân hàng thương mại.

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI về nội dung này.

PV: Thưa ông, việc ngân hàng phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế có trái với chức năng của ngân hàng hay không? 

 
Ngân hàng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, nhưng nếu Nhà nước coi nghĩa vụ nộp thuế quan trọng hơn thì ngân hàng phải tuân thủ. Vấn đề ở đây là phải có quy định rõ tại luật.
Luật sư Trương Thanh Đức

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng điều này không trái với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng mặc dù việc thực hiện có thể có vướng mắc, xung đột, ảnh hưởng quyền lợi. Về nguyên tắc mọi hoạt động kinh doanh đều phải nộp thuế và ngành Thuế phải quản lý.

Chúng ta đang phấn đấu để mọi giao dịch liên quan đến tiền tệ đều phải qua ngân hàng, nhất là những giao dịch giá trị. Như vậy, hai cơ quan này mà không phối hợp với nhau thì sẽ rất khó để quản lý, thu thuế, hay để phòng chống ngăn ngừa các sai phạm khác như rửa tiền, tham nhũng, gian lận… cũng như thực hiện các quy định khác của Nhà nước. Việc phối hợp này là thông lệ phổ biến trên thế giới. Vấn đề ở đây là luật phải quy định thế nào về cách thức phối hợp, về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, chia sẻ về chi phí, lợi ích.

PV: Theo ông, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và ngân hàng là một giao dịch thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp hay là cần được quy định cụ thể bằng luật pháp? 

Luật sư Trương Thanh Đức: Đây là việc chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước theo rất nhiều quy định của luật, từ luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật về các tổ chức tín dụng, các luật về thuế đến luật về xử lý vi phạm hành chính, luật hình sự… Quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp không phải là quan hệ kinh tế, đối tác, nên hoàn toàn không có chuyện thỏa thuận, hợp đồng với nhau. Toàn bộ phải trên cơ sở quy định pháp luật.

Hiện nay, nhiều nguyên tắc chung đã có ở các quy định pháp luật, còn thẩm quyền, trình tự, thủ tục cụ thể được xử lý bằng các thông tư, nghị định. Tuy nhiên, việc thực hiện có nhiều vướng mắc do giữa các luật còn có sự mâu thuẫn. Do đó, cần quy định rất rõ để không còn sự tránh né, viện dẫn lý do ở các văn bản mâu thuẫn. Tôi cho rằng, đã đến lúc vấn đề này phải được nâng lên rất cụ thể, chi tiết bằng luật định để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, bởi nó không chỉ liên quan đến ngân hàng trong nước mà còn các ngân hàng nước ngoài. Còn nếu chỉ quy định ở thông tư hay nghị định thì sẽ có nhiều khúc mắc, khó thực thi.

PV: Có ý kiến cho rằng đề xuất ngân hàng tự khấu trừ thuế, hay cưỡng chế thuế trên tài khoản của khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền tài sản của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và các quy định pháp luật khác. Ông có đồng ý với điều này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Nếu đã có quyết định của cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định của cơ quan tư pháp thì nghĩa vụ của tất cả các công dân, pháp nhân, kể cả cơ quan nhà nước, sẽ phải thi hành quyết định đó. Từ việc phát mại, thu hồi nợ, trợ cấp, hay điển hình là nợ thuế… thì từ trước đến nay không chỉ ngân hàng mà cả các cơ quan khác đang giữ khoản chi trả như tiền lương, bảo hiểm xã hội đều phải thực hiện.

Mở rộng ra, điều này có áp dụng với các trường hợp thu thuế như nghiệp vụ bình thường hay không là vấn đề cần phải bàn. Theo tôi, nếu điều này được quy định trong luật thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Quyền của công dân là được bảo vệ tài sản, nhưng nghĩa vụ thì công dân cũng phải tuân thủ, ở đây nghĩa vụ của công dân là phải nộp thuế.

PV: Từng là nhà quản lý cấp cao trong ngân hàng và là chuyên gia trong lĩnh vực pháp chế ngân hàng, theo ông, các ngân hàng nên xử lý thế nào giữa trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và trách nhiệm tuân thủ pháp luật?

Luật sư Trương Thanh Đức: Trong cuộc sống có rất nhiều trách nhiệm: trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm thực hiện hợp đồng, trách nhiệm với cơ quan, với Nhà nước. Trách nhiệm này tùy thuộc vào mối quan hệ. Chẳng hạn như trong các giao dịch bảo đảm, thế chấp, cầm cố, ngân hàng được ưu tiên, ưu tiên hơn cả việc trả lương cho người lao động. Nhưng khi có những quy định khác, có thể giao dịch bảo đảm lại không được ưu tiên. Chẳng hạn như các khoản vay bắt buộc của các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt thì được ưu tiên hơn khoản cầm cố thế chấp; còn cầm cố thế chấp lại được ưu tiên hơn khoản nộp thuế.

Tất cả đã được quy định bằng luật, luật quy định nguyên tắc thế nào chúng ta thực hiện như vậy. Ngân hàng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, nhưng nếu Nhà nước coi nghĩa vụ nộp thuế quan trọng hơn thì ngân hàng phải tuân thủ. Vấn đề ở đây là phải có quy định rõ tại luật.

PV: Hiện nay, việc thu thuế điện tử được triển khai rộng khắp với sự phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân mà còn cải thiện môi trường kinh doanh. Ông nghĩ sao về hiệu quả của sự phối hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế?

Luật sư Trương Thanh Đức: Hiện nay các ngân hàng đang triển khai nhiều dịch vụ thu hộ các khoản thu của ngân sách, dịch vụ công như điện, nước… và không ai có thể làm tốt việc này như ngân hàng. Hiệu quả của việc thu thuế điện tử đã cho thấy rõ điều này. Ngành Thuế tiết kiệm được chi phí nhân công, kho quỹ, tập trung cho công tác kiểm tra, tính thuế và xử lý nghiệp vụ chuyên ngành về thuế. Còn ngân hàng phát huy được lợi thế trong dịch vụ thu chi, quản lý tài khoản.

Tất nhiên, để sự phối hợp được hiệu quả lâu dài, điều quan trọng là phải có sự chia sẻ về dữ liệu thông tin, về quyền lợi. Từ phía ngân hàng, họ cũng rất mất thời gian, công sức khi phải cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước, mà có lẽ ngành Thuế là nhiều nhất. Nên chăng, chúng ta coi đây là một nghiệp vụ của ngành Thuế, có chi phí hợp pháp, trả tiền cho những dịch vụ tra cứu, trích xuất thông tin. Như vậy, hai bên sẽ hợp tác tốt hơn khi đều có lợi ích và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến (thực hiện)

 ——————

Thời báo Tài chính (Thuế với cuộc sống) 24-8-2018:

Báo:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2018-08-24/quan-ly-thue-khong-the-thieu-vai-tro-cua-ngan-hang-61247.aspx

Video:

https://www.youtube.com/watch?v=HEC2CPkfqPw&app=desktop

(1.375/1.375)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,089