Thành thử, khái niệm và nội hàm của “hộ kinh doanh” vẫn là một ẩn số cho đến khi Quốc hội phê chuẩn dự luật này.

Dự thảo mới nhất sửa đổi Luật Doanh nghiệp đề xuất bổ sung một Chương về hộ kinh doanh. Theo dự thảo đang được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến, chương về hộ kinh doanh trong dự Luật Doanh nghiệp sẽ được xây dựng theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” bên cạnh các loại hình pháp lý khác là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

br class=

Các loại phí, lệ phí được miễn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh quy định tại Nghị định 39/2018.

Số phận “lênh đênh” của hộ kinh doanh

Nhìn lại lịch sử tên gọi, trước khi có cái gọi là “hộ kinh doanh” năm 2006, thì chủ thể kinh tế này có nhiều tên gọi khác nhau. Trước 1986 được gọi là “tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa”. Sau 1986 chủ thể này được gọi bằng nhiều tên tùy theo lĩnh vực, ngành nghề như: “hộ cá thể”, “hộ tiểu công nghiệp”; “hộ kinh doanh cá thể”…

Những dấu mốc quan trọng có thể kể đến. Chẳng hạn trước khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990, thì các loại hộ kinh doanh được tồn tại bằng Nghị định 27 của Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi hai luật trên ra đời, trong giai đoạn từ 1990 đến 1999, dù vẫn thừa nhận “hộ kinh doanh cá thể” trong Nghị định 02/2000 nhưng thực tế các hộ kinh doanh cá thể chưa hoàn toàn “tự do phát triển” khi thuê lao động thường xuyên chưa được phép. Mãi đến khi Nghị định số 109/2004 về đăng ký kinh doanh ra đời thì quy định “không được thường xuyên thuê lao động” mới được bãi bỏ.

Từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực đến nay, thì hộ kinh doanh cá thể mới được gọi vắn tắt là “hộ kinh doanh”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018 cho hay, hết năm 2017, cả nước có tổng trên 5,14 triệu hộ kinh doanh. Tuy vậy, nhiều báo cáo vẫn nhận xét rằng: hộ kinh doanh hiện vẫn giữ lại “đặc trưng” là quy mô nhỏ, siêu nhỏ, manh mún, hạn chế về năng lực kinh doanh, quản trị và ứng dựng công nghệ, hiệu quả và năng suất kinh doanh còn thấp và đóng góp vào nền kinh tế còn mờ nhạt.

Dông dài như vậy để thấy rằng, dù đang được “chuẩn hóa” hơn nữa trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 lần này, nhưng có vẻ như số phận của “hộ kinh doanh” vẫn còn lênh đênh. Điểm cốt yếu nhất hiện nay vẫn là sự “lấn cấn” giữa một bên là tư duy lập pháp đối với một “di sản” trong kinh tế Việt Nam và những yêu cầu của hội nhập, minh bạch.

Minh định thương quyền hộ kinh doanh

Lịch sử của “hộ kinh doanh”, như đã được minh định, là do đường lối kinh tế trong quá khứ khi mà kinh tế nhà nước bao trùm toàn bộ xã hội và là chủ thuyết của phát triển một thời kỳ dài. Ai cũng hiểu khi đó, kinh tế tư nhân nói riêng và “tư nhân” nói chung không được khuyến khích, thậm chí còn bị hạn chế. Nhưng thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng tuân theo những “chủ thuyết” phát triển, mà nó luôn có sự vận động riêng. Chính vì vậy, rất nhiều sự vật, hiện được và thực tế xã hội đã được định danh với lý do “phải có sự hài hòa”. Hộ kinh doanh là một trường hợp như vậy.

Các luật liên quan đến kinh doanh từ 2000 đến nay thật ra chưa thoát khỏi được những “chủ thuyết phát triển” ấy. Tuy vậy, một mặt vẫn không thể thoát ly di sản kinh tế một thời, nhưng mặt khác, thực tiễn lập pháp cho kinh doanh đã hình thành những “thể lưỡng cư” trong kinh doanh. Đơn cử như việc thiết lập các điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp và hộ kinh doanh rất giống nhau, thậm chí không có gì khác biệt đáng kể.
Dĩ nhiên, có những quy định mà hiện nay hộ kinh doanh và doanh nghiệp vẫn còn một số khác biệt. Chẳng hạn như số lượng thành viên hay phí môn bài theo từng cấp độ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và chế độ báo cáo. Sự thật là bất bình đẳng vẫn còn đó, nhưng rất khó có thể tìm ra được những khác biệt trong những quy định phổ quát khác. Ấy là chưa kể thực tế vẫn có những hộ kinh doanh mà doanh thu gấp nhiều lần doanh nghiệp.