(SGGP) – 2019 là năm bản lề để các NHTM thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dù đã qua nửa năm các NHTM có vốn nhà nước vẫn chưa có giải pháp khả thi nhằm xoay chuyển tình thế kẹt vốn điều lệ (VĐL) thấp hơn ngưỡng Basel II, thực thi Thông tư 41 quy định tỷ lệ CAR đối với NH, chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực từ 1-1-2020.
CAR sát ngưỡng tối thiểu theo chuẩn Basel I
Quyết định 457/2005/QĐ của NHNN quy định tỷ lệ CAR tự có tối thiểu 8%. Đến năm 2010, NHNN nâng tỷ lệ CAR lên 9% qua Thông tư 13. Năm 2016, NHNN ban hành Thông tư 41 có nội dung hướng theo chuẩn Basel II, với nhiều điểm thay đổi so với các thông tư trước, như điều chỉnh hệ số CAR từ 9% xuống 8%, nhưng bổ sung yêu cầu vốn cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động bên cạnh yêu cầu vốn đối với rủi ro tín dụng. Hệ số CAR tính theo Basel II so với Basel I vẫn giữ nguyên tử số, thay đổi mẫu số. Trong Basel I, tài sản có điều chỉnh rủi ro mới đề cập đến rủi ro hoạt động tín dụng, còn trong Basel II tính thêm rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Không thể và không nên lùi thời điểm thi hành Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Nếu Nhà nước vẫn cần 4 trụ cột (4 NHTM nhà nước) để thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ, bắt buộc phải tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước lên ngang bằng, hoặc hơn mức 65%. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính |
Thực hiện thông tư này, đến cuối tháng 4-2019, tỷ lệ CAR bình quân của cả hệ thống NH theo chuẩn Basel I là 12,19%. Tuy nhiên, CAR của khối NHTM có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank. BIDV) thấp nhất, bình quân chỉ đạt 9,61%. Trong đó, CAR của Vietcombank xấp xỉ 10%, BIDV 9,1%, 2 NH còn lại thấp hơn. Riêng Vietinbank có tiến độ tăng VĐL chậm nhất. Hệ số CAR của NH này hiện đã tiến sát ngưỡng tối thiểu theo quy định của NHNN.
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NHTM nhà nước nắm quyền chi phối không được thấp hơn 65%, nhưng tỷ lệ này tại Vietinbank hiện xuống đến 64,46%.
Trong khi đó, tại thời điểm 30-6-2018, VĐL BIDV đạt hơn 34.187 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 95,28%; Vietcombank hơn 35.977 tỷ đồng, Nhà nước 77,1%; Vietinbank 37.234 tỷ đồng, Nhà nước 64,46%; Agribank 29.126 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ 100%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trái phiếu thứ cấp và nợ thứ cấp được tính vào vốn cấp 2 tối đa 50% vốn cấp 1, hiện tại Vietinbank đã chạm giới hạn này. Tại ĐHCĐ thường niên 2019 tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Vietinbank, cho biết tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ CAR riêng lẻ của NH 9,6% và hợp nhất 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của NH ở mức dưới 8%. Trong báo cáo mới công bố của CTCK Bản Việt (VCSC), dự báo hệ số CAR 2019 của Vietinbank sẽ giảm xuống 9,8%, với tỷ lệ vốn cấp 1 mỏng ở mức 6,8% và NH khó có thể tuân thủ Basel II.
Phải tìm mọi cách
Chỉ còn gần 6 tháng đến hạn vốn chủ sở hữu của các NH ít nhất phải đạt 8% tổng tài sản theo chuẩn Basel II. Đối với các NHTM Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, có thể chủ động hơn trong việc tăng VĐL và có điều kiện thuận lợi hơn để tăng trưởng nhanh, gia tăng thị phần trên thị trường. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng đối với các NHTM có vốn nhà nước, khi theo quy định Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các NH này.
Với tỷ lệ CAR và vốn cấp 1 mỏng, Vietinbank khó có thể đáp ứng tiêu chí Basel II.
Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc tăng VĐL của các NHTM nhà nước đến thời điểm này không thể lùi thêm nữa. Để đáp ứng chủ trương và mục tiêu Chính phủ đề ra, 4 NH này phải được cổ đông lớn nhất là Nhà nước để lại cổ tức, hoặc bỏ thêm vốn vào để nâng VĐL các NH đã xây dựng.
Cho đến nay dù các NHTM nhà nước và Hiệp hội NH đã nhiều lần trình bày, đề nghị Nhà nước cho phép được giữ lại lợi nhuận hàng năm, hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn. Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng đã có nhiều cuộc họp để xem xét, song vấn đề trên vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa giải quyết được dứt điểm.
Một giải pháp tăng VĐL cho các NHTM nhà nước cũng được đề cập đến là tăng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với các NH còn room, tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cho các NH hết room tối đa 30% như Vietinbank. Tuy nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng, dù thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc), kiến nghị của Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group – cổ đông chiến lược nước ngoài của Vietinbank – hỗ trợ Vietinbank tăng VĐL, hay Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc) đề xuất được hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hóa… đã được đưa tin.
Một khả năng nữa cũng đang hé ra, là mới đây ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), cho biết đang làm việc với các NHTM nhà nước về khả năng SCIC tham gia mua cổ phần các nhà băng này, cụ thể là BIDV và Vietinbank. Phương án được SCIC đưa ra là mua cổ phần 2 NH này bằng mệnh giá, giúp giải quyết bài toán thiếu vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nói: “Không thể và không nên lùi thời điểm thi hành Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Nếu Nhà nước vẫn cần 4 trụ cột để thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ, bắt buộc phải tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước lên ngang bằng, hoặc hơn mức 65%.
Trước mắt, cho phép các NH này được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn. Về dài hạn, Nhà nước nên tính đến việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các NHTM nhà nước đi. Theo đó, giảm có lộ trình về 40%. Thậm chí, có thể bán hẳn vốn của Nhà nước tại một vài NH cho đại chúng, dùng các công cụ khác để thu ngân sách”.
Trí Dũng
——————
Sài Gòn Đầu tư tài chính (Tài chính) 16-7-2019:
http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/tang-von-khong-the-lui-70123.html
(70/1.256)