2.308. Gắn mác ‘Made in Việt Nam’, nếu Asanzo đúng vậy ai sai?

(SKĐS) – Chính việc thiếu những quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” dẫn đến tranh cãi về viêck Asanzo dán mác “Made in Việt Nam”.

gan-mac-made-in-viet-nam-neu-asanzo-dung-vay-ai-sai
Từ Khaisilk, Asanzo đến Sunhouse…, đâu là mánh khóe của doanh nghiệp? Ảnh minh họa

Vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa nóng lên sau nghi án Công ty CP Tập đoàn Asanzo bị nghi ngờ bán hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt.

Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho hay hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Asanzo được chứng nhận là “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” (HVNCLC). Asanzo quảng bá sử dụng “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy Asanzo là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam.

Ngay sau khi báo chí vào cuộc phản ánh về việc Asanzo “đội lốt hàng Việt”, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của doanh nghiệp này. Đồng thời bà Vũ Kim Hạnh, đại diện Hiệp hội cho biết Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa.

Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện Asanzo vẫn đang trong quá trình chờ kết luận thanh tra của các bộ, ban, ngành liên quan theo quyết định của Thủ tướng về lùm xùm thông tin nhập sản phẩm nước khác nhưng gắn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.

Thực tế, từ năm 2018 Bộ Công thương đã bắt tay xây dựng một bộ quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Tuy nhiên đến nay chưa ai thấy “mặt mũi” của những quy định này ra sao.

Nhìn nhận vấn đề quy định về việc hàng hóa thế nào thì được coi là “sản xuất tại Việt Nam” là vấn đề cấp thiết, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ vì người tiêu dùng trong nước mà còn vì các doanh nghiệp.

“Nếu chậm thì dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp làm kiểu gì cũng sai. Người tiêu dùng và cơ quan quản lý thấy cái gì cũng không hợp lý”, luật sư Đức nói.

Dẫn lại trường hợp Asanzo làm ví dụ, ông Đức cho biết: “Ông Tam (ông Phạm Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Asanzo – PV) nói trước đó ông ghi xuất xứ Việt Nam sai thì giờ ghi lại là sản xuất tại Việt Nam. Nhưng bản chất cả hai nhãn là một nên ông ấy vẫn sai. Xuất xứ doanh nghiệp ghi nhưng phải đảm bảo chính xác, trung thực, đảm bảo tuân thủ các hiệp định. Ông Tam vi phạm hai nội dung là chính xác và trung thực”.

Tuy nhiên, luật sư Đức cho rằng, sản phẩm nhập nhằng nguồn gốc của ông Tam không thể ghi là xuất xứ Trung Quốc vì quy định của họ không cho phép. Có chăng ông Tam chỉ có thể ghi là “lắp ráp tại Việt Nam” trong bối cảnh quy định của Việt Nam còn chưa đầy đủ, chặt chẽ và còn nhiều sơ hở.

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa của Chính phủ có quy định về nhãn hàng hóa.

Theo đó, các sản phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên đó có tên người sản xuất, người lưu thông phân phối… Nghị định này cũng quy định các doanh nghiệp, các thương nhân lưu thông phân phối có trách nhiệm tự xác định thông tin đưa lên nhãn hàng hóa đó.

Tuy nhiên, Nghị định này chỉ quy định về nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để xác định loại hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.

Trong khi đó, trả lời báo chí, CEO Vinalink Hà Anh Tuấn cho biết, khoảng 90% sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc . Không chỉ hàng tiêu dùng, hầu hết dây chuyền, máy móc tại Việt Nam cũng đều từ nước này.

Câu chuyện xuất xứ Trung Quốc không có gì lạ và chúng ta phải thừa nhận. Vì nền sản xuất của chúng ta còn thiếu và yếu, chi phí giá thành cao, giá bán cao. Trong khi đó, hàng Trung Quốc “thượng vàng hạ cám”, giá nào cũng có, đáp ứng được nhu cầu mọi lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng, ở hầu hết phân khúc.

Theo ông Hà Anh Tuấn các doanh nghiệp Việt Nam thường tìm mọi cách hạ giá tối đa sản phẩm, do đó hàng Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Việt Nam, một tỷ lệ lớn là chất lượng kém. Vậy nên, vấn đề là sự lựa chọn của các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam chứ không phải “lỗi” do nhà sản xuất Trung Quốc như phần lớn người tiêu dùng vẫn “ác cảm” lâu nay.

Cũng theo ông Tuấn, một doanh nghiệp Việt Nam, khi bắt tay kinh doanh xe đạp điện chẳng hạn, sẽ có hai cách để “làm ăn”. Cách thứ nhất, sẽ lựa chọn một mẫu xe “vừa mắt” đã và đang phân phối tại thị trường Trung Quốc rồi đàm phán nhập nguyên chiếc. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ phải “mặc cả” với đối tác Trung Quốc, mức giá chỉ bằng một nửa so với mức giá họ đang bán. Giá giảm, đương nhiên chất lượng phải giảm! Nhà sản xuất Trung Quốc giỏi ở chỗ đó, giá nào họ cũng làm được.

Cách thứ hai là đặt hàng đối tác sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng do mình đặt ra, rồi truyền thông cho thương hiệu đó. Sau một thời gian đặt hàng nguyên chiếc, doanh nghiệp có thể tự sản xuất những sản phẩm đơn giản như xoong, chảo. Còn những sản phẩm có “dính” đến điện tử như: Máy lạnh, điều hòa, máy xay sinh tố… thường thì họ vẫn đặt hàng phần lớn linh, phụ kiện, chỉ sản xuất một vài bộ phận đơn giản còn lại và “biến” nó thành sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam.

Một chiêu trò khác mà doanh nghiệp thường sử dụng là thành lập công ty, đăng ký thương hiệu, bản quyền ở nước ngoài, như Hàn Quốc chẳng hạn, rồi liên doanh hoặc có hợp đồng nhượng quyền thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Và sản phẩm của doanh nghiệp này có thể “đàng hoàng” xuất hiện là của thương hiệu Hàn Quốc!

Tiếp theo là thuê doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài (thường là các nước có tên tuổi về công nghệ như: Nhật Bản, Đức, Australia…) quản lý, giám sát, xây dựng quy trình ISO… Như vậy, khi truyền thông có thể gọi là công nghệ Nhật Bản, hay công nghệ Đức.

Do vậy, đã không ít sản phẩm của những doanh nghiệp kiểu này tung ra thị trường có tới 4 quốc gia xuất hiện trong nhãn hàng hóa: Thương hiệu Hàn Quốc, công nghệ Nhật Bản, xuất xứ Trung Quốc, sản xuất tại Việt Nam…

Hoàng Linh

——————

Sức khỏe cộng đồng 18-7-2019:

https://suckhoecongdongonline.vn/gan-mac-made-in-viet-nam-neu-asanzo-dung-vay-ai-sai-d127236.html

(253/1.421)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,950