2.312. Bùng nổ mô hình cho vay P2P: Tiềm năng lớn nhưng rủi ro cao

(KTĐT) – Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay đã có 40 công ty cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý nên hoạt động của các công ty theo mô hình P2P đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro đối với tất cả các bên tham gia.

Ảnh minh họa.

Hình thức cho vay mới

P2P là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến. Có thể hình dung P2P hoạt động tương tự như mô hình Uber, Grab trong lĩnh vực cho vay. Thông qua kênh này, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký qua internet. Khoản vay sẽ được xét duyệt và giải ngân trong khoảng thời gian là 4 giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.

Việt Nam hiện có 40 DN P2P đang hoạt động, trong đó có 10 DN có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số công ty đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng. Trong khi chưa có khung pháp lý chính thức, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ P2P. Thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty P2P để không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD và hệ thống ngân hàng.

Tại Việt Nam, với lượng người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức khá cao (khoảng 79% theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới), trong khi tỷ lệ sử dụng internet và Smartphone gia tăng cùng với thu nhập và tiêu dùng gia tăng thì đây được coi như là mảnh đất “màu mỡ” cho lĩnh vực cho vay P2P phát triển.

Đơn cử như Tima – hệ thống cho vay ngang hàng đầu tiên tại Việt Nam. Tại thời điểm ra mắt chính thức vào tháng 12/2017, lượng đơn vay mới của Tima ở mức 1.000 đơn/ngày. Đến nay, số liệu cập nhật mới nhất từ Tima, đã kết nối cho vay thành công được hơn 30.000 tỷ đồng với gần 1,5 triệu đồng khách hàng. Tima đặt mục tiêu thí điểm mô hình cửa hàng online to offline trên 63 tỉnh, TP.

Trong khi đó, Vaymuon.vn công bố chỉ cho vay từ 1 – 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 – 45 ngày. Hay hệ thống Mofin gọi vốn cộng đồng cung cấp các khoản vay tiêu dùng, bao gồm cho vay sinh viên, cho vay mua xe. Còn HuyDong cung cấp các khoản vay cho DN, Lendbiz cung cấp các khoản cho vay DN siêu nhỏ.

Cần khuôn khổ pháp lý phù hợp

Ưu điểm của hình thức cho vay ngang hàng là tạo kết nối cho hai bên qua trực tuyến gặp nhau và ra quyết định nhanh hơn. Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi, việc đầu tư trên P2P cũng có những rủi ro. Chẳng hạn một công ty P2P đang giới thiệu cho vay với lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm), nhưng lại thông báo với nhà đầu tư mức lãi hàng tháng 20%/năm. Hay một số đơn vị không tính lãi mà thu phí tư vấn cố định 150.000 đồng/mỗi khoản vay 1 – 5 triệu đồng, khoản phí chuyển tiền của nhà đầu tư cho người vay từ 50.000 đồng trở lên. Như vậy, một khoản vay 1 triệu đồng mất phí tối thiểu 200.000 đồng, chưa kể đa số khoản vay có thời hạn chưa đến một tháng.

Đối với nhà đầu tư, khi tham gia P2P, tức đem tiền đi cho vay để hưởng lãi suất cao gấp 3 – 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cao nên rủi ro cũng lớn. Một số công ty P2P yêu cầu để trở thành người cho vay khách hàng nộp tiền vào tài khoản bằng cách chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng và công ty sẽ chuyển đến người vay. Người đứng tên tài khoản hệ thống chính là giám đốc công ty. Hầu như các công ty P2P đều khẳng định sẽ đảm bảo khoản tiền cho vay nhưng giao dịch không gặp mặt, hoàn toàn thông qua ứng dụng nên vẫn tiềm ẩn những rủi ro, vì P2P vẫn chưa chịu sự quản lý của quy định nào.

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện chưa có quy định nào về mô hình hoạt động như trên. Ông Đức nhận định, các công ty này không phải là tổ chức tín dụng (TCTD) để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nhà đầu tư có tiền cho vay trách nhiệm và rủi ro sẽ rất lớn. Ngược lại, rủi ro cho người vay cũng có nếu như dịch vụ tăng lãi suất bất ngờ, thay đổi các điều kiện cho vay và thanh toán… Đồng thời đưa ra cảnh báo: “Mô hình này nếu không có quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào”. 

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược – Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe cho rằng, mô hình P2P là sản phẩm sáng tạo của thị trường, không nên cấm mà phải ủng hộ sự sáng tạo. Giải pháp để ủng hộ là xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm cho loại hình này hoạt động lành mạnh, ngăn chặn và loại bỏ các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình. Được biết, hiện Chính phủ đang giao các bộ, ngành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các công ty P2P Lending tại Việt Nam để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này.

(134/1.100)

Trâm Anh

——————

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 22-7-2019:

http://kinhtedothi.vn/bung-no-mo-hinh-cho-vay-p2p-tiem-nang-lon-nhung-rui-ro-cao-348383.html

(134/1.100)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,950