2.314. Vận chuyển trái phép VND hoặc CNY qua biên giới: Có thể bị phạt tới 10 năm tù

(ĐĐK) – Thông tư số19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc được xem là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thanh toán biên mậu tại 7 tỉnh có đường biên giáp ranh giữa hai quốc gia, đồng thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển giữa các thương nhân và cư dân biên giới .

Có ý kiến cho rằng, Thông tư này không có chế tài để giám sát, kiểm soát những trường hợp vi phạm. Luật sư Trương Thanh Đức- Chuyên gia pháp chế về lĩnh vực ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đã trao đổi về vấn đề này.

LS Trương Thanh Đức.

PV: Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam -Trung Quốc. Dưới góc độ là một chuyên gia pháp chế về lĩnh vực ngân hàng, ông có thể cho biết cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư này?

LS Trương Thanh Đức: Ngoài các căn cứ vào quy định chung là Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì Thông tư này căn cứ vào quy định cụ thể là Hiệp định thương mại biên giới ký giữa hai Chính phủ Việt Nam -Trung Hoa năm 2016, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới” (Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương năm 2017).

Đây không phải là Thông tư đầu tiên quy định về việc này, mà đã có những quy định tương tự từ 24 năm trước đây theo Thông tư số 06/TT-NH8 ngày 18/3/1994 và Quyết định số 689/2004/QĐ-NHNN  ngày 7/6/2004 của Ngân hàng Nhà nước.

Quy định về việc thanh toán bằng đồng tiền Nhân dân tệ (CNY) và ngoại tệ mạnh như USD tại khu vực biên giới không hề trái với quy định “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam” tại Điều 55 Hiến pháp năm 2013, càng không trái với luật và pháp lệnh, nhất là theo nguyên tắc chung thì ưu tiên áp dụng quy định của Hiệp định khi có quy định khác với luật. Như vậy, có thể hiểu là VND vẫn là đồng tiền pháp định, được lưu hành thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam và càng không có chuyện Thông tư 19 quy định việc thanh toán bằng đồng tiền CNY tại khu vực biên giới là vi hiến.

Theo ông, Thông tư này sẽ có tác động thế nào đến thương nhân và cư dân khu vực biên giới Việt – Trung?

– Thông tư này sẽ giúp cho hoạt động của 2 nhóm đối tượng là thương nhân và cư dân khu vực biên giới thuận tiện hơn trong việc mua bán, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ để phục vụ hoạt đông kinh doanh thương mại và đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 về “Thương nhân”, Luật Thương mại năm 2005 thì thương nhân bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tổ chức kinh tế khác có đăng ký kinh doanh. Còn cư dân biên giới thì chỉ áp dụng đối với các xã, phường, thị trấn thuộc 33 huyện của 7 tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc.

Thông tư 19 cho phép trường hợp nào được thanh toán bằng tiền mặt CNY và nếu không tuân thủ thì sẽ bị xử lý như thế nào?

– Thông tư đã quy định, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ tại chợ và khu vực biên giới của Việt Nam thì chỉ được phép thanh toán tiền mặt VND, còn đối với đồng CNY thì chỉ được thanh toán qua tài khoản ngân hàng (Điều 9). Chỉ riêng đối với việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới (xin nhấn mạnh là qua biên giới) của thương nhân thì mới được phép thanh toán bằng tiền mặt CNY trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa (Điều 4.2). Trong trường hợp này, thương nhân phải nộp tiền ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền mặt CNY.

Nếu sử dụng đồng tiền mặt CNY để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ trái với quy định trên thì cá nhân có thể bị xử phạt từ 200 – 250 triệu đồng và tổ chức có thể bị xử phạt gấp đôi số tiền này theo quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 24 về “Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối”, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.

Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay CNY có trị giá trừ 5 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 200 triệu đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại Điều 9 về “Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng”, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số  45/2016/NĐ-CP.

Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay CNY có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt hình sự theo quy định tại Điều 189 về “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Được biết, hoạt động thanh toán biên mậu cũng đã được Chính phủ ký kết với các quốc gia khác có chung đường biên giới với nước ta là Lào và Camphuchia. Vậy về bản chất, việc thanh toán biên mậu giữa Việt Nam với hai quốc gia trên có khác gì với Trung Quốc?

– Cùng với Trung Quốc, chúng đã đã ký các Hiệp định tương tự với hai nước có chung biên giới còn lại là Lào và Campuchia. Mười bốn năm trước Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày 5/1/2004 và Quyết định số 845/2004/QĐ-NHNN ngày 8/7/2004 cho phép thanh toán biên mậu tương tự bằng đồng Riel với Campuchia và đồng Kíp với Lào.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lam Sơn (thực hiện)

————————

Đại đoàn kết (Pháp luật) 06-9-2018:

http://daidoanket.vn/phap-luat/van-chuyen-trai-phep-vnd-hoac-cny-qua-bien-gioi-co-the-bi-phat-toi-10-nam-tu-tintuc414764

 (1.207/1.207)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.980. Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất...

Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất động sản sẽ có cuộc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,049