Luật sư, chuyên gia luật kinh tế Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
nhận định: Số tiền phạt đối với hành vi “bán chui” cổ phiếu đang quá nhẹ so với số lợi nhuận mà những người vi phạm được hưởng.
Mới đây, Chủ tịch Yeah1 và quỹ ngoại DFJ VinaCapital Venture Investment bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, vì hành vi bán “chui” lô 7,82 triệu cổ phiếu YEG với giá trị 2.346 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan vì hành vi báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện giao dịch.
Cụ thể, ông Võ Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dầu khí Thái Dương (TDG) bị phạt tiền 27.500.000 đồng; bà Vũ Thị Bích Ngọc, người có liên quan với ông Nguyễn Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện I bị phạt tiền 20.000.000 đồng; ông Trần Minh Phú, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng bị xử phạt 40.000.000 đồng…
Nhìn vào mức xử phạt đối với những người có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, luật sư, chuyên gia luật kinh tế Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, chế tài xử phạt của ta về hành vi bán “chui” cổ phiếu quá nhẹ.
Không ít khi giao dịch “chui” của lãnh đạo doanh nghiệp và người có liên quan có giá trị lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc xử phạt hầu như chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 145/2016/NĐ-CP và Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trường hợp vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng. Thậm chí, trong trường hợp vi phạm bị xác định là giao dịch nội bộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt lên đến 10 tỷ đồng hoặc 7 năm tù (Điều 209, 210, Bộ luật Hình sự 2015).
Thế nhưng cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, con số 10 tỷ tiền phạt tưởng là lớn nhưng thực chất không hề lớn so với số lợi mà người bán “chui” cổ phiếu được hưởng.
Nhiều quốc gia trên thế giới xử phạt rất nặng với hành vi này. Mức xử phạt có thể gấp 3, thậm chí là 5 đến 10 lần số tiền mà doanh nghiệp vi phạm.
“Việt Nam cũng cần xử phạt mạnh tay hơn đối với những vi phạm liên quan đến cổ phiếu. Chúng ta không nên quy định con số phạt cụ thể mà phải phạt trên giá trị vi phạm. Ngoài việc tịch thu toàn bộ tiền vi phạm, thì sẽ phạt gấp 3-5 lần, số tiền đó. Tất cả sẽ được xung công quỹ”, LS Trương Thanh Đức kiến nghị.
——————
Lao động (Kinh doanh) 07-09-2018:
(239/574)