(VOVVN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, hàng “made in Vietnam” phải đáp ứng tiêu chí đó là hàm lượng giá trị phải trên 50% là của Việt Nam.
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên quy định về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông nội địa. Theo dự thảo này, hàng hóa của Việt Nam gồm hàng thuần túy sản xuất trong nước như khoáng sản, cây trồng, vật nuôi… và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam.
Trường hợp hàng có xuất xứ không thuần túy được xác định dựa trên các tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hóa, hoặc hàm lượng giá trị gia tăng dựa trên các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng…
Hàng “made in Vietnam” phải có hàm lượng giá trị 50% là của Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc lấp khoảng trống pháp lý và sự hiểu biết thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được xem như là yêu cầu sống còn của các quốc gia trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ doanh nghiệp.
Hiện nay có 2 khái niệm, “make in Vietnam” và “made in Vietnam”, những khái niệm này cần phải được làm rõ.
“Make in Vietnam” có nghĩa “làm tại Việt Nam”, đồng nghĩa với việc người Việt Nam chủ động làm ra, sáng tạo và phát triển.
“Made in Vietnam” có nghĩa “sản xuất tại Việt Nam”. Vậy có phải sản phẩm nào được gắn mác “Made in Vietnam” là đều được sản xuất 100% tại Việt Nam, đại diện cho thương hiệu của Việt Nam? Cụm từ này được hiểu thế nào cho đúng?
Ông Phú cho rằng, hàng Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí, có những bộ phận hay linh kiện chính do người Việt Nam tự sản xuất ra. Ví dụ, một chiếc xe máy được gọi là hàng Việt Nam thì bộ phận chính là động cơ phải do Việt Nam sản xuất, còn mui, đèn xe có thể nhập từ nước khác, nhưng phải ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc hàng từ đâu, tất cả phải được công khai rõ ràng, không được để tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, hàng Trung Quốc thì không được ghi sản xuất ở Việt Nam. Ít nhất 50% các bộ phận chính được sản xuất tại Việt Nam. Những động cơ này có thể lắp ráp ở Trung Quốc nhưng bản quyền phải là của Việt Nam và do người Việt Nam sáng tạo ra động cơ đó.
“Tiêu chí hàng Việt Nam phải được công bố rõ ràng, không được lập lờ đánh lận con đen, đánh lừa người tiêu dùng. Nếu có, cơ quan chức năng phải phanh phui, xử lý nghiêm tình trạng này”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI, điều 3.14 của Luật Thương mại năm 2015 đã định nghĩa về xuất xứ hàng hóa với 2 ý là, nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ; hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản mà không đề cập đến lắp ráp. Trong đó việc chế biến cơ bản cần được lưu ý về mức độ, khác với lắp ráp qua loa rồi nhận là xuất xứ của Việt Nam.
Ông Đức nhấn mạnh, việc một doanh nghiệp nước này thiết kế ra sản phẩm, thuê nước khác sản xuất và lắp ráp, hoặc mua linh kiện từ một nước khác để chế tạo sản xuất là chuyện phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, điều này khác với việc mua toàn bộ linh kiện của nước ngoài rồi về lắp ráp lại, giống nguyên mẫu mà không sáng tạo, thay đổi gì và gắn mác “made in Vietnam” vào, thì đó là lừa đảo.
Hàng “made in Vietnam” phải đáp ứng tiêu chí, đó là hàm lượng giá trị phải trên 50% là của Việt Nam. Cần có quy định cụ thể với từng sản phẩm, quy định với ô tô sẽ khác với một chiếc xe đạp hay một chiếc ti vi”, luật sư Trương Thanh Đức nói./.
Chung Thủy/VOV.VN
——————
VOV.vn (…) 08-8-2019:
https://vov.vn/Print.aspx?id=941762
(260/779)